Quy luật thị trường là yếu tố quyết định

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:32, 29/10/2016

(HNM) - Theo kế hoạch được phê duyệt mới đây, trong giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội triển khai cổ phần hóa (CPH) 16 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 100% vốn nhà nước trực thuộc. Đồng thời, sẽ tiếp tục thực hiện các hình thức sắp xếp đối với các DN chưa hoàn thành CPH, thoái vốn giai đoạn 2011-2015 chuyển sang.


Thời gian qua, Hà Nội đã có gần 300/490 DNNN thực hiện CPH. Qua đợt giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố mới đây cho thấy, bên cạnh những DN phát triển tốt, không ít đơn vị vẫn gặp rào cản trong quá trình CPH hoặc “hậu” CPH.

Trước hết, việc chuyển mô hình sở hữu là một quá trình rất phức tạp nhưng hiện không có luật hướng dẫn mà chỉ căn cứ theo các nghị định của Chính phủ. Trong đó, mô hình quản lý phần vốn nhà nước trong DN CPH cũng mỗi nơi một kiểu. Hiện có mô hình tổ quản lý phần vốn nhà nước, nhưng thành viên tổ đồng thời cũng là cổ đông góp vốn, tham gia điều hành trực tiếp tại DN, nên rất dễ lấn vai, không rõ lúc nào ở vai đại diện Nhà nước, lúc nào đại diện cho cổ đông góp vốn.

Thứ hai, câu chuyện giá trị đất đai chưa bao giờ hết “nóng” ở các DNNN tiến hành CPH. Bởi tại thời điểm CPH, nhiều đơn vị là chủ sở hữu của nhiều khu đất, trong đó có những khu “đất vàng” nhưng giá trị quyền sử dụng đất được định giá rất thấp nếu căn cứ vào pháp luật về đất đai hiện hành. Hệ quả là không ít trường hợp, kẽ hở về giá trị đất đai chính là “mũi khoan” cho một số cá nhân cơ hội lợi dụng để lấy đi một phần tài sản của Nhà nước. Câu chuyện này thực tế đã xảy ra…

Tiếp đến là việc Nhà nước (bộ, ngành, UBND các cấp được giao là chủ sở hữu) vẫn nắm cổ phần chi phối ở khá nhiều DN, kể cả những DN không thuộc diện Nhà nước cần chi phối thuộc lĩnh vực an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng… Điều đó dẫn đến sự tham gia của các thành phần kinh tế khác còn hạn chế, chưa phát huy được hết nguồn lực xã hội hiện có, chưa thu hút được sự tham gia của các cổ đông chiến lược. Cùng với đó, nhiều DN sau CPH chưa thực sự đổi mới trong quản trị công ty; người đứng đầu “đắm mình” quá lâu trong cung cách quản lý cũ nên hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện…

Tất nhiên, những rào cản trên không chỉ Hà Nội gặp phải mà là câu chuyện chung về CPH DNNN gặp phải thời gian qua. Và để CPH tiếp tục giải pháp mang tính chiến lược, tạo đột phá, thu hút các nguồn lực dân doanh vào quá trình quản trị và phát triển của DN thì những “nút thắt” trên rõ ràng cần được tháo gỡ. Đặc biệt, để bịt các kẽ hở trong vấn đề định giá đất thì rất cần kiện toàn hệ thống pháp luật về định giá đất, kể cả đất thuê, điều mà Luật Đất đai hiện hành vẫn có kẽ hở. Tiếp đến là phải kiên quyết thực hiện cơ chế minh bạch thông tin, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bất kể thành phần được tiếp cận đầy đủ hồ sơ về “sức khỏe” DN sẽ CPH. Ngoài ra, cần tiếp tục xác định rõ chế độ trách nhiệm, chế tài xử lý đối với các chủ thể có liên quan trong trường hợp trì hoãn CPH, thoái vốn nhà nước…

Tại cuộc họp về việc CPH một số DN “siêu lớn” tổ chức gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khi bán cổ phần tại các DN, phải đấu giá cạnh tranh, không phân biệt đối tác trong nước và nước ngoài, giá trị quyền sử dụng đất phải được tính riêng. Việc CPH phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.

Rõ ràng, tiến trình CPH DNNN ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang cần một quyết tâm lớn và hành động quyết liệt, trong đó cần phải lấy quy luật thị trường là yếu tố quyết định…

Đan Nhiễm