Đi để biết mình đang ở đâu
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:19, 30/10/2016
Sự kiện Ngành Xuất bản Việt Nam tham dự Hội chợ sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair (FBF) 2016 tại CHLB Đức từ ngày 19 đến 23-10 vừa qua, tiếp nối 11 lần góp mặt trước, cũng vậy.
Tuy nhiên, với việc lần đầu tiên cử đoàn tham gia Hội chợ, Hà Nội đã không chỉ mang đến FBF 2016 thông điệp của một Thủ đô hòa bình, yêu sách, trọng tri thức mà thực sự còn mang về những trải nghiệm để cùng với ngành xuất bản cả nước nhận diện vị thế của mình đối với việc phát triển văn hóa đọc, hướng tới hội nhập và đóng góp cho xuất bản thế giới.
Sự chào đón của giới làm sách, truyền thông quốc tế với đoàn Việt Nam một mặt thể hiện sự quan tâm của thế giới đối với ngành xuất bản nước ta, nhưng đồng thời cũng phản ánh rõ ràng sự thiếu vắng những giao dịch sôi động, thực chất của sách Việt trên sân chơi toàn cầu. Lượng sách khổng lồ, cách tổ chức chuyên nghiệp, các hoạt động phong phú của FBF 2016 cũng khiến chúng ta nhận rõ sự cần thiết phải chủ động hơn đối với việc phát triển, quảng bá sản phẩm thuộc lĩnh vực “tư tưởng văn hóa” quan trọng này.
Phải thừa nhận, những năm qua cả ba lĩnh vực gồm chất lượng sách (cả nội dung và hình thức), thị trường sách, kỹ năng tổ chức sự kiện về sách của ta có chuyển động tích cực nhưng chưa đồng đều và còn nhiều hạn chế, như tình trạng sách vi phạm bản quyền, sai sót về nội dung, thậm chí cả chính tả... Cộng đồng thỉnh thoảng lại rộ lên bức xúc khi phát hiện những cuốn sách với không ít sai sót bi hài. Mỗi cuốn sách tử tế được phát hành vẫn đang phải nơm nớp nỗi lo không đáng có về nạn sách lậu. Kiện tụng về câu chuyện này dù phần thắng thuộc về ai thì tiếng thua vẫn thuộc về cả nền xuất bản nước nhà.
Có thể nói, đúng như người đứng đầu FBF 2016 đã nhấn mạnh: “Đằng sau sách là văn hóa, du lịch, thương mại, giáo dục và cả kinh tế”.
FBF 2016 chắc chắn giúp ta nhận định nghiêm túc thực trạng giới làm sách trong nước để có những bước đi vừa cụ thể, vừa lâu dài nhằm phát triển xuất bản mở đường cho hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực khác.
Cụ thể, phải có một chiến lược sách quốc gia để chuẩn bị dài hơi cho các sự kiện hội chợ sách lớn từ khâu tìm kiếm bản thảo đến tổ chức dịch, quảng bá… Các nhà xuất bản cũng phải nỗ lực đổi mới, làm sách tử tế (uy tín, có bản quyền, thực hiện đúng các tiêu chuẩn sách quốc tế…). Cộng đồng góp sức bằng việc cổ vũ nhân rộng mô hình liên kết của các nhà sách nói “không” với sách lậu, làm sách có bản quyền.
Đặc biệt, với hướng đi đúng đắn của mình thể hiện qua hàng loạt mô hình Hội sách, Phố sách, Đại sứ văn hóa đọc…, qua những trải nghiệm tại FBF 2016, Hà Nội cần tiếp tục những động thái mạnh mẽ với niềm tin trở thành một Thủ đô sách trong tương lai. Trong đó, có việc tiếp tục sự phối hợp năng động giữa cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị làm sách tư nhân; phát huy lợi thế cộng đồng người đọc phong phú, có nền tảng của vùng đất nghìn năm văn hiến; gây dựng một môi trường đọc sách sâu rộng, thực chất từ gia đình, trường học, đến các không gian công cộng khác, đóng góp chung cho văn hóa đọc nước nhà.
Có như vậy, những chuyến đi “để biết mình đang ở đâu” như hôm nay mới có thể giúp ta lớn mạnh hơn trong tương lai.