Tăng tuổi nghỉ hưu - liệu có thu hẹp cơ hội của lao động trẻ?

Đời sống - Ngày đăng : 06:53, 30/10/2016

(HNM) - Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đang được dư luận hết sức quan tâm, nhất là những lao động trẻ, sinh viên mới ra trường.

Bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn lao động là chìa khóa để giải quyết nhu cầu việc làm. Ảnh: Bá Hoạt


Băn khoăn khó kiếm được việc làm

Nguyễn Văn Hòa, quê Nam Định, tốt nghiệp Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hơn 3 năm nay. Loay hoay không tìm được việc làm phù hợp, Hòa chấp nhận làm tiếp thị thuốc lá để chờ đợi cơ hội. Giống Hòa, Phạm Thị Trang tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên nhưng giấu bằng đại học, xin làm công nhân. Hòa và Trang từng nhiều lần đến các trung tâm giới thiệu việc làm hoặc nhờ các mối quan hệ để xin việc làm phù hợp nhưng không thành. Khi nghe tin Bộ LĐ-TB&XH chuẩn bị đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, chưa kể Nhà nước đang thực hiện chính sách tinh giản biên chế…, cả hai đều nghĩ mình khó có cơ hội tìm được việc làm đúng với chuyên môn đã được đào tạo.

Trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Đặng Quang Điều cũng băn khoăn khi tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam còn rất cao, số công nhân - lao động không có việc làm còn nhiều. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động đang làm việc thì sẽ tạo ra áp lực rất lớn về việc làm. Những người trẻ đến tuổi làm việc, đến tuổi tham gia thị trường lao động sẽ càng khó tìm việc. Nếu không tính toán kỹ, việc này có thể góp phần tạo ra hệ lụy xấu, làm cho môi trường xã hội phức tạp hơn.

Đây cũng là mối băn khoăn của nhiều lao động trẻ và phụ huynh, bởi theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có 191.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm.

Quan trọng là chất lượng nguồn nhân lực

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định, thị trường lao động luôn có tính phân mảng. Trong đó, thị trường của giới trẻ và thị trường dành cho lao động trình độ cao, lao động thâm niên không có tính liên thông; hoàn toàn không phải mối liên hệ “bình thông nhau”, người này ở lại sẽ làm mất việc làm của người kia. Vấn đề quan trọng là kinh tế phát triển sẽ tạo ra nhu cầu lao động. Độ tuổi về hưu của lao động trình độ cao cần phải tính toán kỹ, bởi mỗi lao động trình độ cao sẽ kéo theo số người làm việc nhiều, đóng góp của họ sẽ sáng tạo ra giá trị thặng dư, tạo ra nhiều việc làm. Được tạo điều kiện tốt, một người có trình độ cao đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục làm việc sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng, nuôi được nhiều người hơn. Ví dụ, một bác sĩ về hưu sẽ giải phóng một việc làm; nhưng ra làm việc ở bệnh viện tư, bác sĩ có thể điều trị cho 100 bệnh nhân. Để đáp ứng yêu cầu của 100 bệnh nhân này, bệnh viện tư sẽ phải tăng người hỗ trợ, bảo vệ, làm các dịch vụ, tức là tạo ra nhiều việc làm hơn. Như vậy, lý thuyết việc làm là sự gia tăng về giá trị kinh tế. Hơn nữa, khả năng có việc làm tùy thuộc vào các kỹ năng của lao động. Nếu có đầy đủ kỹ năng, lao động trẻ sẽ có năng lực hội nhập thị trường lao động cao. Rất nhiều công trình trên thế giới đã chứng minh rằng, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của một nhóm người này không ảnh hưởng đến việc làm cho nhóm khác…

Cùng quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu không phải là vấn đề “chiếm chỗ” của lao động trẻ. Tăng trưởng kinh tế sẽ là chìa khóa tác động để tạo việc làm, thu hút lao động. Theo tính toán, cứ 1% tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra 0,25% việc làm. Mục tiêu của đợt tăng tuổi nghỉ hưu này phải là giữ được nguồn lao động chất lượng cao, không để chảy máu chất xám, theo hướng cho kéo dài thời gian làm việc một số đối tượng nhưng không giữ chức vụ lãnh đạo, không tham gia quản lý. Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện đứng thứ 11/12 quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về chất lượng nguồn nhân lực, nếu để lực lượng lao động chất lượng cao nghỉ hưu sớm sẽ là thiệt thòi lớn. Nhưng nếu không tính toán kỹ, tăng tuổi nghỉ hưu mà giữ lại lực lượng lao động có hiệu suất thấp, thiếu sức khỏe thì lại gây cản trở cho những lao động trẻ, lao động có chuyên môn kỹ thuật cao. Hơn nữa, thừa lao động chỉ là hiện tượng tạm thời.

Chỉ 10 năm nữa, chúng ta sẽ đối mặt với tình trạng dân số già, nếu không chuẩn bị tốt, nâng dần tuổi nghỉ hưu sẽ tạo ra tình trạng thiếu lao động. Kinh nghiệm ở một số quốc gia cho thấy, chỉ vì thiếu lao động để phát triển kinh tế nên họ rất khó tăng trưởng. Bên cạnh đó, nâng tuổi nghỉ hưu cũng là tạo cơ hội cho người lao động có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho quỹ bảo hiểm; người lao động sẽ có lương hưu cao hơn, có điều kiện tốt hơn để tái tạo sức lao động.

Còn đứng ở góc độ của người trẻ, hãy tự trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức để có khả năng tự tạo được việc làm. Điều này đòi hỏi cả gia đình và xã hội cùng chung tay hỗ trợ và đó chính là cách tạo việc làm, giải quyết nhu cầu việc làm bền vững cho lao động trẻ. 

Linh Chi