Đồng bộ nhiều giải pháp

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 31/10/2016

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, ngày 29-8-2011 Thành ủy Hà Nội đã phê duyệt Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân”.

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình, diện mạo nhiều vùng nông thôn Hà Nội đã đổi thay, đời sống đa số nông dân được cải thiện, số hộ nghèo giảm... Hiện Hà Nội đã có 201 xã (chiếm 52% tổng số xã) và 2 huyện cán đích NTM, đứng đầu cả nước về xây dựng NTM.

Thành công của Chương trình là rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết để đáp ứng hơn nữa yêu cầu đặt ra.

Triển khai xây dựng NTM, nhiều địa phương tập trung thực hiện các tiêu chí “cứng” (điện, đường, trường, trạm). Thực tế đã có không ít địa phương trong số này trở thành "con nợ": Nợ tiền doanh nghiệp, nợ Nhà nước. Trong khi đó, các tiêu chí “mềm” (văn hóa, xã hội, an ninh, thu nhập, môi trường) tốn ít kinh phí nhưng lại chưa có bước chuyển mạnh.

Phát triển sản xuất nông nghiệp - tiêu chí quyết định nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân, tạo ra giá trị bền vững trong xây dựng NTM - ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; cá biệt có nơi đưa vào kế hoạch cho đủ để được chấm điểm. Do vậy, sản xuất nông nghiệp ở không ít địa phương còn manh mún; mức độ ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến chưa cao; liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo. Chưa kể, vẫn còn một bộ phận cán bộ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại hoặc chạy theo thành tích...

Đây là những hạn chế, tồn tại mà Hà Nội đã và đang khắc phục.

Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI “Về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đặt mục tiêu: Đến năm 2020, thành phố có hơn 80% số xã và 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn NTM. Nông dân ở khu vực nông thôn có mức thu nhập đạt 49 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt hơn 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5% (theo chuẩn nghèo mới)...

Để những mục tiêu này trở thành hiện thực, chúng ta cần thẳng thắn nhìn vào những hạn chế, tồn tại của giai đoạn vừa qua để có hướng khắc phục kịp thời. Cùng với đó là triển khai đồng bộ các giải pháp: Tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư thực hiện Chương trình 02 giai đoạn 2016-2020; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các chính sách của trung ương và thành phố đối với sản xuất nông nghiệp; rà soát, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng xã NTM: mở rộng sản xuất trong các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề ở nông thôn; thực hiện đầy đủ các chính sách về an sinh xã hội đối với các gia đình chính sách, các hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn... Một điều cũng không thể thiếu là chú trọng phát triển đồng bộ cả những tiêu chí "cứng" cũng như tiêu chí "mềm", nhất là những tiêu chí không cần phải đầu tư nhiều, hoặc có thể hoàn thành sớm và duy trì bền vững trên nền tảng những giá trị truyền thống văn hóa của địa phương.

Hướng đi đã rõ, cùng với sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống xã, thôn và từng người dân, Chương trình 02 của Thành ủy giai đoạn 2016-2020 sẽ đạt được kết quả vững chắc và Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước trong xây dựng NTM.

Hoàng Văn