Bài đầu: Niềm vui chưa trọn

Đời sống - Ngày đăng : 06:14, 31/10/2016

(HNM) - Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Nội có tốc độ đạt tiêu chí nhanh và dẫn đầu cả nước về số xã hoàn thành NTM. Tuy nhiên, kết quả triển khai giữa các địa phương vẫn chưa đồng đều.


Bài đầu: Niềm vui chưa trọn

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Nội có tốc độ đạt tiêu chí nhanh và dẫn đầu cả nước về số xã hoàn thành NTM. Tuy nhiên, kết quả triển khai giữa các địa phương vẫn chưa đồng đều. Trong khi một số huyện đã hoàn thành xây dựng huyện NTM thì vẫn còn nhiều nơi có tỷ lệ xã đạt NTM thấp, đời sống người dân còn khó khăn. Ngay cả các xã đã đạt chuẩn NTM cũng chật vật trong việc giữ tiêu chí, khiến niềm vui chưa trọn vẹn.

Người dân thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) chuyển đổi đất bạc màu sang trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Việt


Chênh lệch lớn giữa các khu vực nông thôn

Tính đến thời điểm này, Hà Nội đã có 201 xã “cán đích” mục tiêu xây dựng NTM. Trong đó, một số huyện đã hoàn thành vượt chỉ tiêu như Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì… thì vẫn còn Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ có số xã được công nhận NTM đạt thấp. Báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy cho thấy, hiện Hà Nội còn 57/386 xã mới cơ bản đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, tập trung chủ yếu ở các xã miền núi.

Đặc biệt, trong 19 tiêu chí NTM, 2 tiêu chí thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hộ nghèo giữa các xã ven đô với các xã thuần nông, xã miền núi có sự chênh lệch lớn. Thu nhập bình quân đầu người của các xã ở huyện Hoài Đức là 35,5 triệu đồng, Thanh Trì 33,3 triệu đồng, Gia Lâm 33 triệu đồng..., còn các xã miền núi huyện Mỹ Đức, Ba Vì... mới đạt 13 triệu đồng đến 20 triệu đồng/người/năm.

Nhà chị Bùi Thị Khuyên (thôn Gốc Báng, xã An Phú, huyện Mỹ Đức) trông nhỏ xíu, thấp lè tè được xây sơ sài bằng gạch ba banh, trong nhà không có tài sản gì giá trị. Chị Khuyên cho biết: "Nhà tôi có 6 sào ruộng cấy lúa, mỗi năm chỉ được một vụ ăn chắc, còn mất mùa bởi lũ rừng ngang, có vụ không đủ gạo ăn. Hằng ngày, tôi đi gánh gạch, kiếm hơn trăm nghìn nuôi con, trang trải cuộc sống nên chẳng khấm khá được".

Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Mạnh Ngự cho biết, ở An Phú, hộ nghèo như gia đình chị Khuyên còn 740 hộ, chiếm 34,8% tổng số hộ trong xã. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã mới đạt 13,9 triệu đồng/người/năm. Đích NTM còn ở khá xa, vì hiện tại xã mới có 14/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt.

Chánh Văn phòng Điều phối NTM trung ương Nguyễn Minh Tiến: Mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM là bảo đảm tính nhân văn và bền vững trong phát triển xã hội, kéo gần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị nhưng đến nay khoảng cách này vẫn còn khá xa. Dẫu biết rằng, xây dựng NTM phải có xã về trước, xã về sau nhưng nếu không kéo gần được khoảng cách thì mục tiêu, tính nhân văn của việc xây dựng NTM chưa trọn vẹn.

Một vấn đề khác quan trọng không kém trong xây dựng NTM đó là thực hiện các tiêu chí "mềm". Trong giai đoạn đầu, các tiêu chí “cứng” về cơ sở hạ tầng được các địa phương coi trọng thì các tiêu chí “mềm” như văn hóa, xã hội, môi trường, thu nhập… lại chưa được quan tâm đúng mức. Bởi thế, có vấn đề như môi trường vẫn là điều nhức nhối đối với nông thôn Hà Nội, đặc biệt là khu vực tập trung nhiều làng nghề. Tại huyện Hoài Đức, môi trường ở 3 xã có nghề chế biến nông sản là Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế đang làm đau đầu người dân và chính quyền sở tại. Khi Đoàn công tác của trung ương về Hoài Đức khảo sát để công nhận huyện NTM đã rất lo ngại về vấn đề môi trường ở đây.

Không riêng huyện Hoài Đức, ở hầu hết các xã trên địa bàn thành phố đều không đạt điểm tối đa về tiêu chí môi trường. Cũng với tiêu chí này, chỉ tiêu người dân nông thôn được sử dụng nước sạch của Hà Nội mới đạt 36,6%, thấp hơn so với các tỉnh, thành phố khác… Đây là những khó khăn đối với cư dân nông thôn của Thủ đô cần sớm được tháo gỡ.

Xã đạt, duy trì tiêu chí vẫn khó

Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Lê Thiết Cương, với 201/386 xã đạt chuẩn NTM, Hà Nội đã có 52% số xã hoàn thành xây dựng NTM. Trong đó, các huyện Đan Phượng và Đông Anh đã đạt chuẩn NTM cấp huyện. Dù chưa đánh giá lại toàn diện ở các xã đã đạt, nhưng việc giữ vững, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí "mềm" không đơn giản.

Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ là 1/11 xã thí điểm xây dựng NTM của cả nước đã đạt đủ 19/19 tiêu chí NTM năm 2014. Tuy vậy, đến nay, 2/4 đề án phát triển sản xuất được địa phương đề ra khi xây dựng NTM vẫn chưa thực hiện được. Chủ tịch UBND xã Thụy Hương Nguyễn Hữu Thắng lý giải: Do bà con có nhiều nghề thu nhập cao hơn nên không quan tâm đến sản xuất nông nghiệp. Về 2/4 dự án chăn nuôi xa khu dân cư và điểm sản xuất tập trung phục vụ làng nghề của xã vẫn “giậm chân tại chỗ", ông Nguyễn Hữu Thắng cho biết do chưa giải phóng được mặt bằng nên chưa thể triển khai.

Tương tự, tại xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ dù đã hoàn thành xây dựng NTM năm 2015 nhưng xã vẫn còn nợ một số chỉ tiêu. Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Hữu Tha cho biết: Xã còn khoảng 20% tuyến đường giao thông nông thôn là đường đất hoặc đã có bê tông nhưng xuống cấp phải làm lại; đường nội đồng chưa kè cứng được; nhà văn hóa, nhà đa năng quy mô xã cũng thiếu do chưa có vốn. “Chưa biết khi nào các công trình này mới làm được vì còn phải chờ đấu giá đất mới có kinh phí để tiếp tục triển khai" - ông Tha cho biết.

Trên thực tế, năm 2016 do có sự thay đổi về chuẩn nghèo mới khiến tiêu chí hộ nghèo của nhiều xã trước đây được công nhận NTM đến nay không đạt. “Đối chiếu với hướng dẫn chấm điểm NTM của thành phố, Hà Nội có 218/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí hộ nghèo, giảm 109 xã so với năm 2015, trong đó có 32 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM 2015 không đạt theo Bộ tiêu chí mới” - Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết. Điều đó cho thấy, nếu các địa phương không nỗ lực, cố gắng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn NTM thì rất có thể sẽ bị tụt hậu, hoặc bị tước danh hiệu xã NTM sau 5 năm đánh giá lại.

(Còn nữa)

Ngọc Quỳnh