"Bà đỡ" phát triển tín dụng tiêu dùng
Tài chính - Ngày đăng : 16:12, 01/11/2016
Bỏ trần lãi suất sẽ hỗ trợ tín dụng tiêu dùng phát triển |
Khống chế lãi suất, biện pháp cứng nhắc
Theo các chuyên gia tài chính, khi nền kinh tế còn khó khăn, việc trần lãi suất được xem là biện pháp để bình ổn thị trường trước những khủng hoảng và các cú sốc bởi những thay đổi về chính sách, để chống lạm phát cũng như chống suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, vai trò lịch sử đó đã đến lúc phải khép lại cho phù hợp với tình hình mới, khi mà những tác động tích cực đã giảm dần và những tác động bất lợi mới xuất hiện. Thực tế cho thấy, lãi suất đã không phản ánh được quan hệ cung – cầu trên thị trường. Điều này đã khiến một số tổ chức tín dụng (TCTD) lách “trần cho vay” bằng các khoản phí... Thêm vào đó, những bất cập trong cơ chế “lãi suất trần” đã làm thay đổi cơ cấu nguồn vốn huy động của các TCTD khiến nguồn vốn huy động ngắn hạn tăng lên, trong khi nhu cầu vốn vay trung, dài hạn là rất lớn, điều này có thể làm rủi ro mất cân đối kỳ hạn vốn tăng lên.
Theo các chuyên gia, việc khống chế trần lãi suất cho vay là một biện pháp can thiệp hành chính không phù hợp với nền kinh tế thị trường, làm hạn chế sự chủ động và linh hoạt của các TCTD trong việ huy động vốn và cho vay. Bởi lãi suất vay phải được hình thành dựa trên quan hệ cung cầu vốn của thị trường. Mức lãi suất cho vay của các TCTD được xác định trên cơ sở lãi suất tiền gửi, chi phí huy động vốn, chi phí cho vay, uy tín của khách hàng, mức độ rủi ro của từng khoản vay và yếu tố cạnh tranh trên thị trường.
Thêm vào đó, việc áp trần lãi suất cũng đánh đồng lãi suất đối với mọi loại hình tín dụng, điều này khiến cho hệ thống ngân hàng và các TCTD gặp khó khăn trong việc đa đạng hóa các sản phẩm dịch vụ. Bởi mỗi loại hình tín dụng có mức độ rủi ro khác nhau, chi phí khác nhau, vì vậy lãi suất cho vay khác nhau. Lãi suất tín dụng tiêu dùng và tín dụng bán lẻ chắc chắn không thể giống với lãi suất cho vay doanh nghiệp và các loại hình tín dụng thông thường bởi mức độ rủi ro của các khoản vay này hoàn toàn khác nhau. Không chỉ vậy, chính sách lãi suất trần cứng nhắc cũng sẽ làm hạn chế sự phát triển của các dịch vụ tài chính mới của các ngân hàng như: Tín dụng bán lẻ, tín dụng tiêu dùng… vốn là những sản phẩm tất yếu của ngân hàng hiện đại.
Cạnh tranh lãi suất theo thị trường
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, có một nguyên tắc tất yếu là rủi ro phải đi với lợi nhuận, tức là khách hàng phải chịu lãi suất mà bên cho vay đặt ra phù hợp với điều kiện của mình. Khi TCTD hoặc các định chế tài chính cho vay vào những lĩnh vực rủi ro cao thì họ phải cộng phần bù rủi ro vào giá và như vậy lãi suất sẽ phải cao. Đây là một nguyên lý hết sức sòng phẳng của nền kinh tế thị trường. Không nên so sánh lãi suất cao hay thấp mà cần đánh giá xem mức lãi suất này có cao so với khả năng trả lãi của người vay hay không? Bởi khi có nhu cầu cấp thiết, nếu khách hàng nhận thấy vay tiêu dùng là giải pháp duy nhất thì họ sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất cao để chớp thời cơ vì họ biết chắc rằng, khoản vay sẽ đem về lợi ích nhiều hơn số lãi suất họ phải trả. Điều này cho thấy tự do lãi suất theo cung cầu thị trường cũng mang ý nghĩa tích cực. Đặc biệt, khi có nhiều TCTD cùng tham gia vào thị trường sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, giúp lãi suất giảm xuống và tự điều chỉnh theo tín hiệu thị trường. Lúc đó, các TCTD phải tự nâng cao khả năng quản lý rủi ro, phân bổ nguồn vốn hiệu quả và hoạt động chuyên nghiệp để đưa ra mức lãi suất hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, một khi thả nổi lãi suất, tự khắc thị trường sẽ định hình một mức lãi suất thấp nhất, hợp lý nhất, cạnh tranh nhất. Không có TCTD nào dám đưa ra một mức lãi suất quá cao, vì như vậy, vô hình chung khách hàng họ đã chối bỏ khách hàng và tự "cắt đi" nguồn sống của mình. Nếu chúng ta cứ “bao biện” là cần bảo vệ người vay bằng những cách hạn chế, ràng buộc tổ chức cho vay, hay bằng những giải pháp áp chế hành chính thì thị trường sẽ khó có thể phát triển, bị cào bằng và người tiêu dùng sẽ mãi là những “đứa trẻ”. Đã đến lúc, chúng ta cần phải để quy luật thị trường tự quyết định sự tồn tại của các loại hình dịch vụ, còn người dân phải tự trang bị cho mình kiến thức tài chính, để hiểu quyền và trách nhiệm của mình trong “sân chơi” này.