Nặng lòng với nghề lụa quê hương
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:33, 02/11/2016
Yêu sợi tơ, màu lụa
Là đời thứ 7 ở Vạn Phúc gắn bó với nghề dệt lụa, dường như sợi tơ, màu lụa đã ngấm sâu vào tâm hồn Nguyễn Anh Sơn. Anh bảo: “Cũng như bao đứa trẻ lớn lên ở quê, tôi biết kéo sợi, dệt lụa lúc nào không hay. Nhưng sau khi đi học, đua với bạn bè, cũng muốn học chỗ nọ, chỗ kia nên một thời gian dài bỏ nghề truyền thống. Tôi lăn lộn nhiều nghề, nào học điện, làm cơ khí, nhưng cuối cùng, tình yêu quê, nỗi nhớ tiếng dệt cửi âm ỉ trong lòng níu tôi quay về. Suốt 20 năm qua, tôi gắn bó với lụa và chắc sẽ chẳng bao giờ rời bỏ nó nữa”.
Anh Nguyễn Anh Sơn say mê làm việc với tình yêu nghề lụa quê hương. |
Từ suy nghĩ ấy, Nguyễn Anh Sơn chuyên chú đầu tư phát triển thêm nghề dệt lụa ở quê nhà. Anh mở xưởng dệt, tìm mối hàng ở khắp nơi, quyết tâm về với nghề tổ. Anh dặn lòng, muốn giữ được nghề, muốn phát triển làng nghề quê hương phải học nghề một cách bài bản. Sơn lân la khắp “làng trên, ngõ dưới” để được học nghề. Nhà có tới 7 đời sinh sống ở Vạn Phúc nên anh em ở khắp làng. Toàn bậc cha chú rành nghề, anh đến mỗi nhà học một ít.
Sơn cũng là học trò cưng của cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh - một trong ba nghệ nhân nổi tiếng ở làng lụa Vạn Phúc lúc bấy giờ. Học chú này cách dệt sợi, học bác kia cách ươm tơ, ngày tháng qua đi, cậu học trò chăm chỉ ngày càng thạo nghề. Không chỉ học “mót”, để am hiểu tường tận về cách nhuộm sợi, Sơn đến Trường Trung cấp Nghề Hà Nội đăng ký học 3 tháng. Sau những ngày mài dùi, chăm chỉ học tập, chàng trai trẻ càng thêm vững vàng. Nhiều lần nhuộm sợi bị lỗi, sai công thức, anh cũng không nản lòng, vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Giờ đây, sau nhiều năm mải mê với nghề truyền thống, gia đình anh đã có cơ sở dệt riêng với khoảng chục nhân công và một cửa hàng khang trang ngay đầu làng. Sản phẩm lụa của gia đình có mặt khắp nơi trong các lễ hội, triển lãm về sản phẩm truyền thống Việt.
Vừa qua, sản phẩm lụa của gia đình anh đã vinh dự được các chuyên gia thiết kế dùng để tạo mẫu, tham gia trình diễn trong Festival Áo dài 2016 tại Hoàng thành Thăng Long, nhân dịp kỷ niệm 62 năm Giải phóng Thủ đô. Trong sự kiện này, anh cũng mang toàn bộ quy trình dệt lụa truyền thống của gia đình đến trưng bày, trình diễn tại lễ hội. Điều đó phần nào giúp du khách trong và ngoài nước hiểu nỗi niềm, công sức và tình yêu lụa của người làng Vạn Phúc phía sau mỗi sản phẩm.
Đóng góp của anh cùng gia đình đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng lớn. Sản phẩm của cơ sở đạt giải Sản phẩm tiêu biểu của Hội thi Sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ IX do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức; Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề tiêu biểu do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng cho sản phẩm khăn lụa mặt trống đồng. Ngoài ra, Nguyễn Anh Sơn cũng vinh dự giành giải trong cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội do UBND thành phố - Sở Công Thương Hà Nội trao tặng...
Những trải nghiệm với các nghề điện hay cơ khí tuy không thể giành giật anh khỏi tình yêu với nghề lụa nhưng lại là sự kết hợp hoàn hảo giúp cơ sở của anh phát triển. Nhờ vận dụng các kiến thức, kỹ năng ngày còn làm điện, làm cơ khí, anh đã có những sáng tạo không nơi nào có được.
Gia đình Nguyễn Anh Sơn là gia đình duy nhất ở Vạn Phúc vận dụng năng lượng ánh sáng mặt trời để nhuộm sợi. Thay vì đốt lò hay dùng điện, anh đầu tư khoảng hơn 100 triệu đồng để sáng tạo nên hệ thống nhuộm sợi hiệu quả. Không chỉ tiết kiệm điện, tiện dụng, giảm chi phí, năng suất và chất lượng mà sản phẩm lụa được nhuộm của gia đình anh cũng ngày một tốt hơn. Sẵn nghề trong tay, thay vì phải thuê thợ, anh cũng tự mua nhiều thiết bị về thiết kế, lắp đặt lấy.
Nhiều năm liền, gia đình Nguyễn Anh Sơn chính là nơi tạo công ăn việc làm cho hơn 40 hộ gia đình ở Vạn Phúc. Từ những nguyên liệu có sẵn của gia đình anh, các hộ trong làng đến nhận về gia công sản phẩm thô. Sau đó, anh lại chính là người tất tả đi khắp làng để thu mua lại các nguyên liệu đó.
Trăn trở giữ nghề
Cái tên lụa Vạn Phúc hay làng lụa Hà Đông đã đi vào thi ca, vào phim ảnh và gieo vào lòng người những ấn tượng sâu đậm. Hàng trăm năm qua, đây vẫn là nơi cung cấp sản phẩm lụa truyền thống - hơi thở của thời đại, tiếng nói của văn hóa Việt. Ý thức được điều đó, người làng lụa luôn mong muốn tiếp lửa và truyền lửa yêu nghề, chắp nối cảm hứng với hương lụa cho thế hệ sau.
Nguyễn Anh Sơn là một trong những người luôn trăn trở và mong muốn được tiếp lửa. Anh luôn nỗ lực mang lại cơ hội học nghề cho nhiều thanh niên trong làng. “Thời của chúng tôi đã bắt đầu có nhiều người không còn hứng thú với nghề truyền thống. Chỉ những người yêu nghề, thật sự trăn trở với những giá trị truyền thống mới về làm nghề. Bây giờ thế hệ trẻ có nhiều cơ hội được trải nghiệm những điều mới mẻ. Vì vậy, cũng không thể ép họ nhất nhất phải làm nghề. Với họ, chỉ có thể động viên và truyền cảm hứng bằng chính sự nhiệt tình, lòng yêu nghề của mình mà thôi. Ở Vạn Phúc, thấy cháu nào có nhu cầu được học nghề hoặc tỏ ra ham thích nghề quê hương, tôi mừng lắm. Tôi luôn cố gắng tạo điều kiện giúp các cháu có môi trường được học nghề. Cháu nào muốn truyền nghề tôi cũng sẵn sàng chỉ dạy”, anh Sơn chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thuyết, một nhân công đang làm việc tại xưởng của anh Sơn, hè nào cũng cho cậu con trai đang học lớp 12 đến xưởng học nghề. “Anh Sơn rất tạo điều kiện cho cháu nhà tôi đến đây học nghề. Tôi cũng muốn con theo nghề nên động viên cháu đến đây học hỏi thêm. Hy vọng nhìn thấy nhiệt huyết của các cô, các chú tại đây, đặc biệt là tình yêu lụa của anh Sơn, cháu sẽ gắn bó với nghề truyền thống của quê hương”, chị Thuyết bày tỏ.
Động viên người trẻ, giúp đỡ người khó khăn là phương châm sống của anh Sơn. Ngoài giữ gìn, tiếp nối nghề truyền thống, anh còn ra sức đóng góp, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, hoạt động nhân đạo tại địa phương như tham gia ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung, giúp đỡ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam.
Với những đóng góp đáng kể đó, anh Nguyễn Anh Sơn đã được TP Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2016.