Nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn chương tình MTQG giảm nghèo

Kinh tế - Ngày đăng : 20:33, 02/11/2016

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Ảnh minh họa


Quyết định quy định, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp cho các địa phương gồm 4 nhóm: 1- Tiêu chí dân số và dân tộc thiểu số; 2- Tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo và quy mô hộ nghèo; 3- Tiêu chí diện tích đất tự nhiên; 4- Tiêu chí về đơn vị hành chính và các huyện có xã biên giới.

Về tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Quyết định quy định đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự cân đối được ngân sách (trừ tỉnh Quảng Ngãi): 100% nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trên địa bàn. Mức bố trí vốn tối thiểu bằng mức do trung ương hỗ trợ bình quân cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách.

Trung ương hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, các huyện nghèo theo quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền, được hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định được phê duyệt của cấp có thẩm quyền vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương, Quyết định quy định ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương, căn cứ vào tình hình thực tế, khả năng cân đối ngân sách, các địa phương bố trí vốn từ ngân sách địa phương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững theo mục tiêu kế hoạch hằng năm và 5 năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó, ưu tiên vốn bố trí thêm nguồn vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các huyện nghèo, xã nghèo được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về tỷ lệ đối ứng từ ngân sách địa phương, Quyết định quy định các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 70% trở lên thì tùy thuộc vào khả năng cân đối ngân sách địa phương, chủ động bố trí kinh phí và lồng ghép các nguồn lực khác để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 50% - dưới 70% thì hằng năm, ngân sách địa phương đối ứng tối thiểu bằng 10% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình. Còn các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương dưới 50% thì hằng năm, ngân sách địa phương đối ứng tối thiểu bằng 15% tổng ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình.

Quyết định yêu cầu việc phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách nhà nước thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 phải bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các bộ, ngành trung ương và các cấp chính quyền địa phương; ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn...

Theo baochinhphu.vn