Kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng
Đời sống - Ngày đăng : 07:02, 03/11/2016
Cử tri cả nước luôn quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng. Trong ảnh: Một buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV tại quận Hà Đông.Ảnh: Bá Hoạt |
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng
Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2016 do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV cho biết, thực hiện biện pháp phòng ngừa tham nhũng, từ đầu năm 2016 đến nay, các cấp, các ngành đã chuyển đổi vị trí công tác 8.812 lượt cán bộ, công chức, viên chức. 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xem xét, xử lý trách nhiệm.
Tuy nhiên, đồng chí Tô Lâm cũng cho hay, biện pháp chuyển đổi vị trí công tác cũng gây khó khăn cho một số ngành, lĩnh vực và địa bàn do các quy định về vấn đề này chưa sát với đặc điểm tình hình, cần được xem xét điều chỉnh. Còn biện pháp xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, bên cạnh tác dụng răn đe nhất định, thì vẫn tồn tại một thực tế là số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; đặc biệt là một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
Để kiểm soát quyền lực hiệu quả, công khai minh bạch là biện pháp hàng đầu. Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ: “Yêu cầu về công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được Luật PCTN quy định, nhưng cụ thể hóa trong pháp luật chuyên ngành trên từng lĩnh vực còn hạn chế; việc tổ chức thực thi trong một số lĩnh vực vẫn chưa bảo đảm yêu cầu; thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình chưa đồng bộ. Tình trạng lạm dụng bảo mật thông tin, thiếu công khai, minh bạch với nhân dân và trong nội bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi”.
Bàn sâu về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định: Tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp vẫn diễn ra, nhất là trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong công tác tổ chức cán bộ, tài chính, ngân sách nhà nước và giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị… gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đều khẳng định, việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế
Theo các chuyên gia pháp luật, tham nhũng về bản chất, đó là sự lạm dụng quyền lực nhà nước, tha hóa quyền lực bởi người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy nhà nước nhằm đạt được lợi ích riêng. Cho nên, để chống tham nhũng tốt thì phải xây dựng cho được thể chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh. Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Dứt khoát phải kiểm soát quyền lực. Một trong những nguyên tắc là giao quyền đến đâu phải kiểm soát đến đó, nhưng thiết kế thế nào cho phù hợp với tình hình hiện nay. Nghiên cứu bài bản, xuất phát từ lý luận, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn. Đây là điều hết sức phải quan tâm và làm".
Theo các đại biểu Quốc hội, để kiểm soát được quyền lực, bên cạnh biện pháp quan trọng là công khai, minh bạch, thì cần tập trung thực hiện biện pháp đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, coi trọng biện pháp nêu gương. ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) khẳng định, để ngăn chặn vi phạm của cấp dưới thì cấp trên phải “ngay ngắn” làm gương. Làm cho cán bộ, nhất là những người có chức vụ biết gương mẫu chính là đã kiểm soát được quyền lực. ĐB Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, tạo hành lang pháp lý công khai minh bạch trong việc kiểm soát quyền lực, loại bỏ cơ chế xin - cho, nhất là các lĩnh vực quản lý tài sản nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công tác tổ chức cán bộ...
Nhiều ý kiến đề nghị phải tăng cường chế tài pháp luật hình sự để kiểm soát quyền lực, song song với tăng cường kiểm tra, giám sát đối với người có quyền lực. Nên đưa ra một tội danh mới như tội lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm người không xứng đáng vào bộ máy nhà nước và củng cố quyền thống trị của một nhóm quyền lực, một nhóm lợi ích hay trục lợi cho lợi ích của bản thân và gia đình. Như vậy, mới có tác dụng răn đe hành vi lạm dụng quyền lực gây ra bức xúc dư luận trong thời gian qua.
Đặc biệt, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình) cho rằng, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật; phải gắn với trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu. Đảng cần chỉ đạo luật hóa quy định, quy định đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý và cán bộ công chức, viên chức, quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp nhà nước bảo đảm tính công khai, minh bạch và tăng cường sự giám sát của nhân dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.