Cần mạnh tay với những vấn nạn xã hội nhức nhối, lưu cữu
Đời sống - Ngày đăng : 13:33, 03/11/2016
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) |
Ngày 3/11, các đại biểu Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận ở hội trường về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Đi thẳng vào những tác động ảnh hưởng đến đời sống xã hội mà cử tri cả nước hết sức quan tâm, cần được giải quyết, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu mối quan tâm hàng đầu hiện nay là môi trường sống đang ngày càng xấu đi do ô nhiễm và thiếu kiểm soát ô nhiễm môi trường; mức độ ô nhiễm không khí tăng tại các đô thị lớn; các doanh nghiệp xả thải ra môi trường; vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cháy nổ, an toàn giao thông; tình hình tội phạm diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường... gây bức xúc, lo lắng bất an cho nhân dân
Trong lĩnh vực giáo dục, y tế đã và đang phát sinh vấn đề mới. Có những vấn đề đã được đề cập từ nhiều năm qua song giải quyết thiếu căn cơ, hiệu quả mang lại chưa cao. Giao thông, hạ tầng đô thị cũng đang là vấn đề báo động. Tình trạng ách tắch giao thông, ngập úng diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở Hà Nội, TP.HCM là căn bệnh trầm kha, gây thiệt hại vô cùng to lớn.
"Chúng ta đã dành hàng chục ngàn tỷ đồng, tốn kém công sức nhưng hiệu quả mang lại rất nhỏ bé và dường như xử lý vấn đề chưa đúng căn nguyên, càng chống càng tắc, càng chống càng ngập úng, cần có lời giải thích từ Chính phủ.
Những vấn đề trên chỉ là những "mảnh ghép" rất nóng của cuộc sống mà trong báo cáo của Chính phủ ít đề cập hoặc đề cập nhưng chưa rõ nét. Và dường như chúng ta quá chú ý đến nhiệm vụ phát triển kinh tế mà chưa có sự quan tâm đầy đủ đến lĩnh vực xã hội. Vì vậy những vấn nạn xã hội nhức nhối, lưu cữu nhiều năm qua chưa được kiềm chế, đẩy lùi, khiến lòng dân không yên. Nhân dân mong muốn Chính phủ có giải pháp mạnh tay, làm chuyển biến căn bản tình hình" - ĐB nêu.
Đồng tình với nhận định trên, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hoà Bình) cũng nhận thấy có một sự mất cân đối về thời lượng mà báo cáo dành cho các phân tích, đánh giá về kinh tế so với lĩnh vực xã hội.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hoà Bình) |
"Dường như chúng ta đang quá tập trung tới việc phát huy mọi nguồn lực, mọi giải pháp, mọi biện pháp để thúc đẩy, tăng trưởng nền kinh tế nhưng chất lượng tăng trưởng như thế nào, tính bền vững của tăng trưởng ra sao còn phụ thuộc vào rất nhiều sự quan tâm, nỗ lực trong các giải pháp lĩnh vực xã hội. Nếu chúng ta chú trọng hài hoà, có những giải pháp tốt đồng bộ giữa phát triển kinh tế - xã hội thì các kết qủa đạt được trong lĩnh vực kinh tế sẽ phát huy và được bền vững hơn" - ĐB Hải lưu ý.
Nữ ĐB này đã chọn một vấn đề cụ thể để góp ý, đó là tác động của bán hàng đa cấp lên đời sống của một bộ phận người dân. Theo ĐB này, đằng sau những dòng chữ ngắn gọn trong báo cáo của Chính phủ về bán hàng đa cấp là những con số, những hiện tượng xã hội hết sức đáng lo ngại như lừa đảo, lừa lòng tin của nhau dẫn tới tranh chấp, kiện tụng.
ĐB ví: "Có thể nói không sai rằng bán hàng đa cấp đã như một cơn bão lốc tạo nên cơn ác mộng, tàn phá sự thanh bình của nhiều làng quê yên tĩnh, chất phác, đã làm giảm sút lòng tin của con người với nhau và đã ảnh hưởng tới đạo đức xã hội".
Thực tế cho thấy đối tượng mà các công ty đa cấp nhắm tới để phát triển mạng lưới thường là những người nội trợ, người lao động, người về hưu. Đặc biệt qua giám sát ở một số địa phương, có một thực tế hết sức đáng lo ngại đó là những người dân thuộc diện được nhận tiền đền bù, giải toả, hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp để ổn định nghề nghiệp, ổn định cuộc sống sau khi thu hồi đất thì lại chính là đối tượng mà các công ty kinh doanh, bán hàng đa cấp hướng tới để phát triển mạng lưới lừa đảo. Người khi tham gia vào bán hàng đa cấp sau đó đã biết mình bị lừa nhưng vì muốn thu hồi lại số tiền nên bằng mọi cách phải đi lừa lại người khác để lấy lại số tiền.
ĐB Thanh Hải kiến nghị Chính phủ cần có báo cáo gửi tới QH về thực trạng bán hàng đa cấp tại Kỳ họp thứ 3 tới đây và cần tiến hành rà soát hệ thống văn bản pháp luật, bảo đảm tính kịp thời, thời sự, linh hoạt, mềm dẻo, đủ sức để theo kịp các diễn biến phức tạp của các hình thức bán hàng đa cấp trên thị trường, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nhận diện được những dấu hiệu của công ty đa cấp lừa đảo...
"Hiện tượng các công ty đa cấp luôn hướng tới khu vực mà người dân vừa nhận được tiền đề bù để phát triển mạng lưới, nên rất có thể trong thời gian tới đây, người dân tại khu vực 4 tỉnh miền Trung vừa được nhận tiền đền bù hỗ trợ do thiệt hại về môi trường gây ra sẽ là địa bàn mà các công ty đa cấp này hướng tới" - ĐB mong Chính phủ đặc biệt quan tâm và sớm giải quyết vấn đề này.
ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) |
Nêu lên một vấn đề khá nóng trong xã hội hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) đề cập đến tác động xấu của môi trường mạng đến học sinh.
"Môi trường văn hoá kém lành mạnh đang bủa vây học sinh. Ngoài thời gian được quản lý trên lớp, phần lớn thời gian còn lại các em sống trong môi trường ảo. Trên môi trường mạng, bên cạnh những mặt tích cực thì những văn hoá phẩm bạo lực, thiếu văn hoá đang tràn lan, không được kiểm soát chặt chẽ, đang dần đầu độc thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh các cấp. Những trào lưu xấu, không lành mạnh này được lan truyền với tốc độ chóng mặt và được học sinh tiếp cận rất nhanh.
Một học sinh ở trên lớp không có biểu hiện hư hỏng, nhưng hàng đêm, học sinh đó vẫn mở mạng xem phim bạo lực, chơi game, chat online với một số nhóm bạn xấu được thành lập kín. Đến một ngày nào đó, học sinh sẽ biến những điều được tiếp nhận ở mạng vào đời thực và gây những hậu quả nghiêm trọng mà không ai có thể ngờ được.
Đã có không ít thầy cô ban ngày tận tuỵ với bài giảng, đêm về lập nick ảo và điều tra xem các nhóm kín của học sinh đang bàn tán vấn đề gì. Giờ này, học trò còn online chơi game hay chat facebook để còn kịp thời điều chỉnh. Nhưng dường như cũng không đủ để kiểm soát thông tin đang ngày càng được tiêm nhiễm vào đầu các em" - ĐB nêu thực trạng.
Môi trường mạng kém lành mạnh là một trong những nguyên nhân chính gây ra những biểu hiện xấu của học sinh hiện nay. Điển hình là học trò coi bạo lực học đường là một trào lưu. Các em thích thú với việc quay clip đánh bạn để giải quyết mâu thuẫn rồi tung lên mạng.
Do đó, ĐB kiến nghị với Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành có sự đầu tư thoả đáng, thắt chặt an ninh mạng, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa những thông tin trên các trang mạng, trang quảng cáo chứa nội dung không lành mạnh, những trò chơi bạo lực tràn lan, những nhóm được thành lập với mục đích lôi kéo thế hệ trẻ suy đồi đạo đức. Khi phát hiện ra những đối tượng vi phạm cần có chế tài nghiêm khắc xử lý và răn đe. Có như vậy mới hạn chế tối đa được những hiểm hoạ xung quanh học sinh, tạo môi trường văn hoá lành mạnh để định hướng và hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ.