Bài 1: Hoạt động HTX đúng luật, đúng bản chất sẽ đơm trái ngọt
Kinh tế - Ngày đăng : 08:05, 03/11/2016
Luật HTX năm 2012 ra đời với kỳ vọng “thay áo mới” để HTX thật sự trở thành “ngôi nhà ấm” của hàng triệu nông dân, đem đến cơ hội sản xuất, tiêu thụ nông sản, các dịch vụ công ích ở khu vực nông thôn. Và thực tế nhờ chủ trương chính sách này, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có hàng loạt các HTX điển hình tiên tiến ra đời, khẳng định vị thế của kinh tế tập thể.
Giúp nông dân nhàn, khỏe, giàu
Trong khi nhiều HTX NN khác đang ăn nhờ ở đậu, chạy ăn từng bữa toát “mồ hôi” thì HTX NN An Mỹ huyện Mỹ Đức nhiều năm nay đều ăn nên làm ra, xây dựng được trụ sở rộng cả ngàn mét vuông, các phòng làm việc bố trí liên hoàn, khoa học. Không những thế hàng năm, HTX đều đóng góp hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động công ích tại địa phương, còn bản thân nông dân được hưởng lợi từ nhiều dịch vụ của HTX đem lại.
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đến HTX làm việc đó chính là tác phong nhanh nhẹn, tư duy sáng tạo vào hăng say về phong trào HTX của vị giám đốc HTX đã có kinh nghiệm hơn 30 năm gắn bó với khu vực kinh tế tập thể Nguyễn Văn Tài. Nông dân An Mỹ tự hào đây là xã đầu tiên của Thủ đô gần như không còn xuất hiện hình ảnh còng lưng cấy, gặt mỗi khi vào vụ bởi tất cả đã được cơ giới hóa tới trên 90% từ cấy, gặt đập liên hợp. Đặc biệt, HTX đã liên kết sản xuất giống cho doanh nghiệp lên tới gần 100 ha, mỗi năm HTX tiêu thụ từ 100 đến 200 tấn lúa giống cho DN đặt hàng.
Hiện tại, HTX NN An Mỹ đang hoạt động thực hiện được 3 loại hình, dịch vụ mới mà ít HTX trên địa bàn thành phố làm được đó là: dịch vụ làm đất, dịch vụ ngâm ủ chạy sạ, dịch vụ thu hoạch gặt đập bằng máy ngoài ra các dịch vụ truyền thống của HTX như bơm tưới, cung cấp giống, phân bón, bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ tín dụng nội bộ... Có nghĩa là nhiều gia đình cây tới gần héc ta lúa nhưng hầu như chỉ thăm nom còn hầu hết các công đoạn đều do HTX thực hiện, nông dân chỉ cần quán xuyến và “vác” thóc về nhà. Giám đốc HTX NN An Mỹ chia sẻ: Để làm tốt các dịch vụ, HTX đã đưa vật tư đến tận nhà cho các hộ xã viên đã đăng ký với giá rẻ hơn thị trường 5%, cho nợ không tính lãi trong thời gian nhất định hoặc đến cuối vụ thanh toán. Không chỉ giải phóng sức dân, HTX NN An Mỹ còn đề xuất với chính quyền địa phương chuyển đổi diện tích sâu trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi.
100% diện tích lúa ở HTX NN An Mỹ đã được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp |
Gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến
HTX Đan Phượng huyện Đan Phượng qua nhiều lần chuyển đổi theo Luật HTX, đến nay HTX đã chuyển đổi thành công và hoạt động theo Luật 2012. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp toàn xã giảm mạnh do chuyển sang công nghiệp, giao thông, đô thị đến nay diện tích đất nông nghiệp của HTX chỉ còn 172 ha, tuy nhiên, nhờ mở rộng, đa dạng các loại dịch cụ tổng hợp, HTX vẫn hoạt động hiệu quả. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch Đan Phượng Chu Văn Hòa cho biết: Năm 2011, HTX đạt doanh thu trên 6 tỷ đồng thì năm 2012, doanh thu đã đạt xấp xỉ 10 tỷ đồng, tăng gần 50%, mức tăng trưởng khá cao đối với một HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay. Để tăng doanh thu, tạo thêm việc làm, thu nhập cho xã viên và người lao động, HTX đã mạnh dạn tham gia một số hoạt động dịch vụ khác như vệ sinh môi trường, kinh doanh điện dân sinh, giống vật tư nông nghiệp…
Thực tế đời sống có rất nhiều mô hình HTX khi hoạt động đúng luật, xây dựng đúng bản chất HTX kiểu mới thì hoạt động rất tốt, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Nguyễn Quang Mạnh khẳng định. Mặc dù HTX nông nghiệp nói riêng khu vực kinh tế tập thể nói chung vẫn còn có nhiều khó khăn và hạn chế nhưng luôn là mô hình thích hợp để hỗ trợ các hộ nông dân phát triển kinh tế. Qua đó hình thành vùng sản xuất hàng hoá lớn, theo tiêu chuẩn đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, đồng thời giúp cho người dân thay đổi tập quán canh tác, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới. HTX NN An Mỹ và Đan Phượng chỉ là 2 trong số hàng trăm HTX trên địa bàn thành phố đang chuyển mình, thích ứng với điều kiện mới để phát triển.