Minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản: Bao giờ phổ cập trên diện rộng?
Kinh tế - Ngày đăng : 14:55, 03/11/2016
Nhiều người tiêu dùng tham gia trải nghiệm truy xuất nguồn gốc nông sản bằng điện thoại thông minh |
Tuy nhiên để nhân rộng chương trình này vẫn còn là một thách thức đối với các đơn vị tham gia. Đây là nhận định của nhiều DN, cơ sở sản xuất tại hội nghị tổng kết Hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản an toàn do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức sáng ngày 3-11.
550 dòng sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc
Sau gần 1 năm triển khai, hệ thống này đã thực hiện dán mã Qrcode cho 550 dòng sản phẩm của 5 cơ sở sản xuất tại 75 điểm trên địa bàn thành phố với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố, các đơn vị chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp. Hệ thống đã tích hợp được tính ưu việt về công nghệ thông tin, chuyển tải đầy đủ, đa dạng, việc sử dụng truy cập đơn giản, khả năng ứng dụng cao. Thông qua Hệ thống đã giúp cho công tác quản lý chất lượng sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố được tốt hơn. Toàn bộ sản phẩm qua Hệ thống đều là sản phẩm an toàn, có giấy chứng nhận chất lượng đầy đủ và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có sự cam kết của cơ sở sản xuất và phân phối.
Ông Đỗ Hoàng Thạch, Phó Giám đốc TTXTTMNN Hà Nội cho hay: Thông qua Hệ thống, cơ quan quản lý đã tiếp nhận kịp thời nhiều ý kiến phản hồi của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm để kiểm tra, giám sát và xử lý trong trường hợp vi phạm. Bản thân các đơn vị sản xuất, phân phối có dịp quảng bá hình ảnh, thương hiệu của đơn vị mình với các đối tác và người tiêu dùng. Nhiều hợp đồng đã được ký kết thông qua việc tiếp nhận thông tin từ Hệ thống. Mặt khác, giúp người tiêu dùng thủ đô tiếp cận với công nghệ mới, có thêm kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và kênh mua bán nông sản thực phẩm cho bữa ăn gia đình.
Ông Nguyễn Sinh Cung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng cho hay: thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra liên tiếp các vụ “giả danh” đặc sản của các tỉnh miền núi phía Bắc như táo đá Hà Giang, hạt dẻ Trùng Khánh - Cao Bằng... Bản thân các cơ quan quản lý nhà nước có đặc sản cũng không nắm rõ diễn biến của thị trường, lại lúng túng trong việc xử lý thông tin. Tỉnh Cao Bằng thực sự rất cần cách hỗ trợ minh bạch thông tin để tránh những thông tin thất thiệt, gây hại cho nông dân sản xuất nông sản đặc sản vốn đang khó khăn về đầu ra, giá thành… ông Cung khẳng định.
Còn ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty Toản Xuân - Nam Định cũng “mừng như bắt được vàng” vì toàn bộ quy trình sản xuất, đơn vị chứng nhận chất lượng… ngay cả tên tuổi của nông dân sản xuất cũng được truy xuất đến tận cùng, nhờ đó người tiêu dùng yên tâm lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp nhiều hơn trước. Còn anh Vũ Tuấn Anh, nhân viên Bệnh viện Nhiệt Đới khi được trải nghiệm mua sắm nông sản thông qua việc truy xuất nguồn gốc từ điện thoại thông minh thì cho rằng: đây là một trải nghiệm thú vị và rất yên tâm khi đặt mua nông sản.
Cần thêm thời gian hỗ trợ
Tuy nhiên việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin trên ứng dụng mới này vẫn còn gặp không ít khó khăn như sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết, nông sản mang tính thời vụ nên ảnh hưởng tới việc dán tem QRcode không được thường xuyên, số lượng sản phẩm được dán tem còn chiếm tỷ lệ thấp, người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen sử dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Đó là những trở ngại lớn để đơn vị triển khai trên diện rộng.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên Chi hội phó Hội Phụ nữ phường Cầu Dền quận Hai Bà Trưng cho hay: bà vẫn có thói quen mua nông sản thực phẩm ở các chợ cóc, chợ tạm, ít khi vào các cửa hàng nông sản an toàn. Và sau khi được đơn vị tư vấn, hướng dẫn cách truy xuất nguồn gốc nông sản thấy thông tin hữu ích nhưng nếu để tự thao tác, thực hiện trên điện thoại thông minh còn rất lúng túng. Khó khăn này của bà Liên cũng là của nhiều bà nội trợ lớn tuổi khác.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen cho hay, đối với việc minh bạch thông tin, dán nhãn truy xuất nguồn gốc doanh nghiệp đã bước đầu thu được nhiều kết quả, tuy nhiên việc kinh doanh nông sản an toàn vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rủi ro cao, lợi nhuận thấp… nên để hệ thống vận hành thuận lợi, đem tới nhiều lợi ích cho DN và người tiêu dùng vẫn phải cần cơ quan nhà nước hỗ trợ trong phạm vi từ 3 đến 5 năm tới.
Sáng 3/11/2016, TTXTTMNN Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen tổ chức Lễ Khai trương Trung tâm tư vấn, giới thiệu và bán nông sản thực phẩm an toàn tại địa chỉ số 35 Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng. Nhân dịp Khai trương này, Trung tâm có chương trình giảm giá 10% cho tất cả các loại sản phẩm trong tuần đầu khai trương và có tổ chức chương trình nấu ăn thử phục vụ khách hàng. |
Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc TTXTTMNN Hà Nội cho hay, để việc triển khai Hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản thực phẩm an toàn nhanh chóng đi vào cuộc sống, đơn vị đặt việc tuyên truyền cho nhân dân và cả các đơn vị quản lý, doanh nghiệp lên hàng đầu. Bởi thực tế khi triển khai, với tham vọng đưa đến tận cùng thông tin cho người tiêu dùng kể cả những thông tin nhỏ nhất như sản xuất trên xứ đồng nào, thời gian sinh trưởng, thu hoạch, bao gói… đến các thông tin tổng quan về chất lượng nên không phải doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nào cũng muốn tham gia.
Để thu hút các đơn vị tích cực tham gia vào Hệ thống, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN, hộ sản xuất về kinh phí tham gia đến hết năm 2017. Ngoài mục tiêu tăng doanh số tiêu thụ nông sản an toàn qua Hệ thống này, Trung tâm còn kỳ vọng với sự tư vấn bền bỉ, nhiệt tình ở hàng trăm điểm tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn thành phố cũng như đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, người tiêu dùng thủ đô sẽ dần thay đổi nhận thức và có ý thức hơn trong thói quen mua sắm, tiêu dùng.