Tháo hạn điền – Cú huých để nông nghiệp làm ăn lớn

Kinh tế - Ngày đăng : 21:16, 03/11/2016

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT nhấn mạnh: Điểm nghẽn lớn nhất vẫn là đất đai, phải tích tụ ruộng đất lớn mới thúc đẩy phát triển nông nghiệp.


Điểm nghẽn lớn nhất vẫn là đất đai

Phát biểu trước Quốc hội chiều 2/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam đã cố gắng rất lớn để chuyển mình từ đất nước thiếu ăn đã thành quốc gia xuất khẩu hơn 30 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu trước Quốc hội


Mặc dù vậy, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số hạn chế trong phát triển nông nghiệp tại Việt Nam, như hiện vẫn dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ, manh mún dẫn tới năng suất lao động, năng suất kinh tế và đời sống của bà con còn rất khó khăn.
Nói về lý do ngành nông nghiệp tăng trưởng âm, ông Cường trần tình: Dù 63 địa phương đều vào cuộc, nhưng việc thực hiện chưa phổ biến. Chính sách được ban hành nhiều, nhưng một số chưa đi vào cuộc sống, còn nhiều bất cập, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp.

Đơn cử nút thắt ở Điều 129 (Luật đất đai), giới hạn hạn điền với sản xuất cây trồng ngắn ngày là 2-3 ha. Bộ trưởng cho hay tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân muốn kinh doanh, làm nông nghiệp quy mô lớn đều rất mong sửa quy định này.

“Nhiều ý kiến lo sợ tích tụ ruộng đất quá lớn khiến nông dân mất việc hoặc người nông dân mất kiểm soát. Nhưng qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy hàng chục mô hình tích tụ đất đai lớn đều hiệu quả. Người nông dân và doanh nghiệp đều tự biết tính tới ngưỡng đủ, không bao giờ tích tụ hơn ngưỡng. Và khi đó, người nông dân được thuê làm sẽ trở thành công nhân nông nghiệp, thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng tùy từng vùng,” Bộ trưởng chia sẻ.

Về nút thắt trong chính sách, Bộ trưởng đề nghị chỉnh sửa 3 nhóm chính sách, đặc biệt là nhóm chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mạnh hơn.

Ngoài ra còn có nút thắt nữa là đầu tư nguồn lực. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu phải có gói đầu tư trực tiếp cho tái cơ cấu nông nghiệp, đầu tư trực tiếp tới 63 tỉnh thành thì mới giải quyết căn cốt câu chuyện tái cơ cấu nông nghiệp ở từng địa phương.

Phải tích tụ được ruộng đất thì nông dân mới làm ăn lớn được (Ảnh minh họa: Internet)


Tháo gỡ nút thắt

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ điểm nghẽn trong chính sách đất đai để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp phân tích: Thực tiễn cho thấy ở đâu mà nông dân tích tụ vài ba chục ha đất thì đều có thể sản xuất hàng hóa xuất khẩu được. Ví dụ Hưng Yên có người sở hữu 120 ha đất đã sản xuất lúa, xuất khẩu gạo sang Nhật Bản, áp dụng công nghệ cao ở mọi công đoạn từ gieo giống lúa, cấy, gặt… Một nông dân khác sở hữu 120 ha đất đã sản xuất chuối bán sang Nhật.

“Quốc hội nên xem lại việc này để tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô thì mới phát triển được", ông Cường nói.

Bộ trưởng cho hay: Qua theo dõi, các đồng chí bí thư từ Đồng Tháp, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Sóc Trăng rồi tất cả 63 tỉnh, thành đều vào cuộc. Ở các cấp độ khác nhau thì cấp địa phương đã có những thành công bước đầu khác nhau. Ví dụ, Đồng Tháp mô hình chuyển đổi xác định 5 đối tượng sản phẩm chủ lực cho đến bây giờ có thể khẳng định là thành công bước đầu. Hay xa như Hà Giang thì các anh đã xác định chủ lực là cây dược liệu, cây rau ôn đới và đặc biệt gắn giữa tái cơ cấu nông nghiệp với du lịch sinh thái và du lịch tiềm năng của Hà Giang. Qua ví dụ cho thấy sự chuyển động về mặt nhận thức.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần phải xác định nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia mà Việt Nam có lợi thế, có quy mô và có giá trị lớn. Hiện nay ngành cùng các địa phương xác định khoảng 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ đô la trở lên, trong đó như cá tra, tôm, rau quả, điều, cà phê, thịt lợn, trong nhóm này có khoảng 10 sản phẩm, chúng ta sẽ dồn lực vào, tất cả các giải pháp để tập trung cho nhóm sản phẩm quốc gia.

Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng, cần chú trọng đến các nhóm sản phẩm có quy mô đặc thù của các tỉnh nhưng có giá trị lớn hàng trăm triệu đồng, ví dụ như vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên, xoài Cao Lãnh hoặc cam Cao Phong…

Bộ trưởng cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ có những chính sách về những vùng dễ tổn thương đối với vùng sâu, vùng xa, để đảm bảo cho sản xuất và đời sống đồng đều không có sự chênh lệch.

Đề xuất lập ngân hàng đất đai

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà bày tỏ ủng hộ những chia sẻ của người đồng cấp ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Hà cho biết, hai ngành đã thảo luận và đang có kế hoạch đề xuất thành lập một ngân hàng quỹ đất để những người dân chưa có nhu cầu sử dụng thì có thể gửi vào đây, trong khi những nông dân hay doanh nghiệp có nhu cầu làm ăn lớn cũng sẽ có niềm tin để thuê sử dụng lâu dài, ổn định.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà


Đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) nhấn mạnh: Đất đai là tài nguyên quý giá của đất nước, sử dụng hiệu quả đất đai là yêu cầu cấp bách. Vấn đề lãng phí đất đai, đất đai ở các nông, lâm trường quản lý chưa hiệu quả, vấn đề khiếu kiện liên quan đến đất đai là những vấn đề nóng bỏng. Nếu quản lý tốt cũng chính là góp phần đưa tiềm năng này phục vụ cho tái kinh tế của đất nước.

Ông Hà đề xuất cần hoàn thiện quy định luật pháp về cơ chế, chính sách về đất đai theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cho phép tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có giá trị cao trên thị trường trong nước và quốc tế./. 

Theo VOV