Quyết liệt hơn để duy trì tăng trưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:42, 04/11/2016
Đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian qua; đồng thời đề nghị, bước vào kế hoạch năm 2017, Chính phủ cần có chính sách quyết liệt hơn để duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Lan phát biểu trong buổi thảo luận tại hội trường. Ảnh: Nhật Nam |
Những điểm nghẽn cần tháo gỡ
Thảo luận ở hội trường, nhiều ĐBQH băn khoăn về mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,7% mà Chính phủ đã đề ra và cho rằng, đây là con số đầy tham vọng, nhất là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2016 ước đạt từ 6,3% đến 6,5%, thấp hơn kế hoạch.
ĐB Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn được xem là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong hoạch định kế hoạch phát triển KT-XH. Nếu tăng trưởng không đạt mục tiêu thì sẽ có hiệu ứng dây chuyền đối với các chỉ tiêu khác và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế. Ở góc độ khác, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng) nêu một thực tế, việc thu hút đầu tư và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giữa các địa phương đang trong tình trạng chạy đua, mạnh ai nấy làm khiến cho lợi ích tổng thể bị suy giảm ở cả cấp độ quốc gia cũng như trong từng vùng kinh tế.
Tại phiên thảo luận, yếu tố bộ máy, con người cũng được nhiều đại biểu tập trung đề cập. ĐB Dương Văn Thống (Đoàn Yên Bái) cho rằng, tổng thể bộ máy hiện rất cồng kềnh, đông người, không ít bộ phận không còn cần thiết cho công tác lãnh đạo, điều hành. Thời gian qua đã xảy ra tình trạng coi nhẹ, buông lỏng giáo dục cán bộ các cấp.
Đồng quan điểm này, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) cho rằng, để triển khai hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017, cần tổ chức thực hiện tốt 2 vấn đề: Con người và thể chế, đây là điểm nghẽn, nguyên nhân kìm hãm, làm chậm quá trình phát triển của đất nước. Ở góc độ khác, ĐB Phan Việt Cường (Đoàn Quảng Nam) nêu thực trạng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quyết liệt nhưng cấp dưới còn chưa quyết liệt, chưa thực sự đồng hành cùng Chính phủ, do vậy chưa tạo ra động lực thực sự cho sự phát triển.
Tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7% vẫn khả thi
Đây là điều được Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh khi giải đáp những băn khoăn của ĐBQH. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 9 tháng qua, tốc độ tăng trưởng GDP và xuất khẩu không đạt kế hoạch do chịu nhiều tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, từ đó làm cho mặt bằng giá của thế giới bao gồm giá dầu, than, giá các mặt hàng cơ bản khác giảm. Còn ở trong nước, hạn hán ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên hết sức nặng nề, xâm nhập mặn đã xảy ra khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua gây thiệt hại lớn về sản xuất và đời sống của nhân dân. Sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung cũng không thể lường trước được và gây ra hậu quả rất lớn. Tất cả các yếu tố đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế nước ta.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng qua đạt 5,93% là tích cực. Theo Bộ trưởng, ước tăng trưởng cả năm 2016 sẽ từ 6,3 đến 6,5% và muốn đạt kết quả này thì quý IV-2016 phải đạt 7,09-7,71%. Lý do để đưa ra tính toán này là vì số lượng doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước đã tăng mạnh, nhất là doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (9 tháng qua tăng 59,6% so với cùng kỳ). Thêm nữa, lĩnh vực hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng phục hồi và dự kiến quý IV tăng khoảng 2,5%. Khai thác dầu thô của năm 2016 dự kiến tăng thêm 1 triệu tấn so với cả kế hoạch làm GDP tăng thêm 0,25%...
Về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017, mục tiêu GDP là 6,7% được cho là cao nhưng có lý do để phấn đấu. Bộ trưởng cho biết, cơ sở xây dựng mục tiêu là dựa vào bối cảnh của thế giới và tình hình trong nước, kết quả thực hiện của năm 2016. Thứ hai là Chính phủ trình Quốc hội những giải pháp căn cơ nhằm ổn định các cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Thứ ba là nông nghiệp dự kiến phục hồi tốt do hiệu quả của việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời, công nghiệp chế biến, chế tạo có bước tăng trưởng tốt sẽ có đóng góp vào tăng trưởng chung của GDP. Thứ tư là số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động có xu hướng tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2016.
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà: Ngành công nghiệp xử lý môi trường phải có vị trí quan trọng Ngày 3-11, trả lời báo chí về vấn đề môi trường bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết, nhằm ngăn chặn những sự cố môi trường xảy ra trong thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các cơ sở sản xuất, danh mục đầu tư; từ đó tham mưu với Chính phủ giải pháp, lộ trình để các doanh nghiệp tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường. Đặc biệt là Bộ lựa chọn những ngành có khả năng gây ô nhiễm cao đưa vào danh mục để tập trung quản lý, kiểm soát riêng. Bộ TN-MT nhận định, trước đây nền kinh tế ưu tiên cho phát triển, huy động đầu tư nước ngoài, chủ yếu thâm dụng vào tài nguyên, chi phí môi trường do luật pháp quy định chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, nhiều quy chuẩn và tiêu chuẩn môi trường thấp hơn so với các nước. Tới đây, Bộ sẽ tham mưu nâng tiêu chuẩn môi trường lên bằng với các nước, đồng thời tiến tới phải hình thành ngành công nghiệp xử lý môi trường. Ngành công nghiệp xử lý môi trường phải có vị trí quan trọng trong các ngành kinh tế, vừa tạo công ăn việc làm, vừa mang lại hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội. Thông tin về việc xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan đến sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan đang thực hiện các quy trình xem xét cụ thể với tinh thần “làm từ dưới lên trên, làm rất kỹ và thống nhất”. Ban Cán sự đảng Bộ TN-MT cũng đã chủ động kiểm điểm, báo cáo và đang chờ cấp trên xem xét, có kết luận. Đối với những người liên quan đến vụ việc Formosa mà đã nghỉ hưu, các cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ xem xét xử lý trách nhiệm. Bộ trưởng Bộ TN-MT nhấn mạnh, tất cả quá trình xem xét, xử lý trách nhiệm cán bộ liên quan được thực hiện minh bạch, bảo đảm đúng quy trình, quy định, không né tránh, nhưng bảo đảm thận trọng. Khi có kết quả sẽ có công bố với toàn dân. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn TP Hà Nội): Không khí “hiến kế” rất sôi nổi Trao đổi với báo chí về 2 ngày thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, chưa bao giờ Quốc hội dành tới 2 ngày để thảo luận về kinh tế - xã hội, trước đây thường chỉ có 1 ngày rưỡi để thảo luận về chủ đề này. Các ĐBQH đã tập trung phân tích kỹ tình hình, chỉ ra những vấn đề hạn chế tồn tại cần tập trung, những lợi thế, tiềm năng mà đất nước cần quan tâm khai thác để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Không khí “hiến kế” trong phát biểu của các ĐB rất sôi nổi. Trong đầu tư, khi nguồn lực ít thì cần phải lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, trước hết là đầu tư phát triển hạ tầng, đầu tư cho những lĩnh vực mà suất đầu tư thấp nhưng tạo ra nhiều công ăn việc làm, bảo đảm phát triển bền vững mà du lịch là một trong những ngành nên ưu tiên hàng đầu. Quốc Bìnhghi |