Tiêu chí môi trường khó “ghi điểm” tuyệt đối

Kinh tế - Ngày đăng : 06:59, 04/11/2016

(HNM) - Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 17 về môi trường được đánh giá là khó “ghi điểm” tuyệt đối.

Để đạt được tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền.


Đâu đâu cũng nhức nhối

Tại cuộc đối thoại của Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ với đại diện nhân dân trên địa bàn huyện cách đây không lâu về xây dựng NTM, các kiến nghị chủ yếu liên quan đến công tác vệ sinh môi trường. Ông Nguyễn Văn Thành, xã Thanh Đa bức xúc: Môi trường khu dân cư ở xã Thanh Đa quá bẩn. Xã có 7 thôn thì 5 thôn có nghề sản xuất đồ gỗ với hàng trăm xưởng sản xuất trong khu dân cư. Hằng ngày, các xưởng thải ra môi trường lượng lớn khói bụi, mùi phun sơn nồng nặc chưa qua xử lý và tiếng ồn gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Nhiều hộ dân gần xưởng sản xuất đồ gỗ phải đóng cửa 24/24 giờ, ngay cả ăn cơm cũng không dám mở cửa vì quá bụi.

Ngoài ra, nhân dân xã Thanh Đa còn hứng chịu ô nhiễm do rác thải sinh hoạt trong khu dân cư và đang ở mức báo động. Xã Thanh Đa đã được Nhà nước đầu tư hai nhà chứa rác thải. Tuy nhiên, mỗi ngày có hàng tấn rác tập kết về khiến hai nhà chứa rác quá tải, tràn ra đường. Việc thu gom của đơn vị môi trường cũng không bảo đảm thường xuyên gây cản trở giao thông và ô nhiễm...

Không riêng Thanh Đa, ô nhiễm môi trường đang là nỗi bức xúc của nhiều xã trên địa bàn TP Hà Nội. Đơn cử, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, đã được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2015 (bị trừ 0,5 điểm tiêu chí môi trường), Chủ tịch UBND xã Nguyễn Danh Thuận cho biết: Trên địa bàn xã có một số cơ sở sản xuất chưa bảo đảm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân xung quanh. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, xã vẫn chưa “trả nợ" được điểm cho tiêu chí này do các nhà máy chưa khắc phục được ô nhiễm. Tương tự, tại làng nghề giày da Phú Yên, huyện Phú Xuyên, tình trạng đốt các loại rác thải từ làng nghề như vải vụn, da giày, giả da, đế nhựa... vẫn tiếp tục xảy ra hằng ngày, khói và mùi khét lẹt làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân trong vùng.

Nỗ lực của toàn xã hội

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương: Môi trường là tiêu chí khó đạt nhất trong xây dựng NTM. Trên thực tế khi chấm điểm tiêu chí này không có địa phương nào đạt điểm tối đa. Tính đến hết tháng 9-2016, toàn thành phố có 343/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí môi trường. Nguyên nhân do một số địa phương chưa quan tâm thường xuyên đến vệ sinh môi trường, nhất là các làng nghề.

Còn theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, khu vực ngoại thành mỗi ngày phát sinh hơn 2.100 tấn rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, do một số công trình của thành phố đang trong giai đoạn đầu tư, hoàn thiện nên không thể đáp ứng nhu cầu xử lý rác của tất cả các huyện. Vì vậy, trên địa bàn 17 huyện mỗi ngày tồn đọng gần 670 tấn rác thải sinh hoạt…

Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trung ương Nguyễn Minh Tiến cho biết: NTM không dừng lại ở cơ sở vật chất, ở đường to, ngõ rộng, nhà ở khang trang mà còn ở các tiêu chí văn hóa, xã hội, môi trường. Những vấn đề đơn giản như nước thải, rác thải sinh hoạt, làng nghề, ô nhiễm từ các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn..., nếu các địa phương chấp nhận ô nhiễm, không giải quyết thì NTM sẽ không bao giờ bền vững. Do vậy, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, mới hy vọng có thể đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM.

Để tháo gỡ khó khăn này, đối với rác thải sinh hoạt ở nông thôn, không thể chỉ dừng lại ở việc xây dựng thêm điểm chứa, xử lý rác theo phương pháp thủ công mà phải áp dụng công nghệ xử lý, tái chế hiện đại. Cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần vận động người dân hạn chế sử dụng túi ni lông; hỗ trợ người dân phân loại rác thải vô cơ và hữu cơ ngay từ đầu nguồn. Với các rác thải hữu cơ có hướng dẫn để nhân dân xử lý tại chỗ một cách hiệu quả. Đối với môi trường tại làng nghề, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, chất thải đã và đang được xây dựng. Liên quan đến nhiệm vụ này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có hướng dẫn cụ thể về cơ chế xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề truyền thống để bảo đảm ổn định tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM. 

Bài, ảnh: Nguyễn Mai