Hỗ trợ kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Đời sống - Ngày đăng : 07:15, 31/01/2023
Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội là tổ chức xã hội - từ thiện do UBND thành phố Hà Nội thành lập từ năm 2000. Hoạt động với tinh thần tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, nên để có nguồn lực trợ giúp trẻ em gặp khó, trước hết, Hội cần khẳng định uy tín, tạo dựng lòng tin đối với các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm. Trên tinh thần đó, Hội tập hợp cán bộ, hội viên là những người uy tín, vừa có kỹ năng trợ giúp xã hội, vừa có khả năng ủng hộ, vận động, huy động nguồn lực.
Nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của những tấm lòng hảo tâm, Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội triển khai các hoạt động trợ giúp trẻ em theo hướng phát huy khả năng của trẻ. Đáng chú ý, dự án với tên gọi “Bước tiến” do Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children’s Foundation) của Australia hỗ trợ triển khai trong nhiều năm với số tiền hàng tỷ đồng/năm, giúp nhiều trẻ em khuyết tật, trẻ em lang thang có mái ấm, tiếp cận cơ hội học nghề, việc làm. Em N.T.H, hiện trú tại huyện Ba Vì chia sẻ: “Từ chỗ sống lang thang, em được đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng tại một trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố vào năm 2016. Ở đây, em được học văn hóa, học nghề, trang bị các kỹ năng hòa nhập xã hội. Hiện em có công việc mang lại thu nhập ổn định”.
Ngoài dự án nêu trên, thông qua Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2023, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm Phương Liệt (quận Thanh Xuân) được Hội Huynh đệ Á - Âu (Pháp) hỗ trợ 1,4 tỷ đồng/năm để tạo điểm tựa vượt khó. Cùng với đó, lực lượng cán bộ, hội viên của Hội vận động nguồn lực đạt trị giá hơn 21 tỷ đồng giai đoạn 2017-2022 để chăm lo, hỗ trợ cho hàng vạn lượt trẻ em nghèo, khuyết tật.
Đối với trẻ có khả năng nhận thức, Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội phối hợp với các cơ sở giáo dục - đào tạo hỗ trợ đưa nhiều trẻ đến trường. Hiện, các trường và trung tâm giáo dục chuyên biệt có khoảng 1.500 trẻ em theo học. Một số trẻ khuyết tật được tạo điều kiện tham gia các lớp học tình thương ngoài cộng đồng, do những giáo viên có tấm lòng hảo tâm đứng lớp. Ở độ tuổi lớn hơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp cận với cơ hội nghề nghiệp thông qua việc tham gia các khóa đào tạo nghề nấu ăn, vi tính, xoa bóp bấm huyệt… do Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội phối hợp với một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức.
Không chỉ chú trọng bảo đảm đời sống, việc điều trị phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật cũng là nội dung xuyên suốt trong các chương trình, hoạt động của Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội. Hằng năm, Hội phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội khám sức khỏe miễn phí cho hàng trăm trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại bệnh viện, sau đó lựa chọn những trẻ có thể phục hồi chức năng để hỗ trợ điều trị. Nhằm giúp các gia đình và cộng đồng nắm rõ kỹ năng chăm sóc trẻ em khuyết tật, hai đơn vị này đã biên soạn bộ tài liệu “Hướng dẫn chăm sóc, can thiệp và giáo dục trẻ khuyết tật” làm cẩm nang cho họ. Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội Hoàng Khánh Chi, công tác hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật mang lại hiệu quả khả quan, giúp nhiều em ổn định sức khỏe, tăng cơ hội hòa nhập.
Ngoài những hoạt động đã triển khai, năm 2023 và những năm tiếp theo, Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội tiến hành tổ chức tọa đàm chuyên đề về giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em khuyết tật ở cơ sở; tuyên truyền về công tác trợ giúp người khuyết tật đến nhiều người dân trong cộng đồng. Đặc biệt, Hội sẽ khôi phục lại phòng khám miễn phí cho trẻ khuyết tật đặt tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội sau thời gian bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đồng thời phối hợp với các cơ sở chức năng ở địa phương tiến hành khám sàng lọc cho trẻ. “Tất cả những việc làm này đều hướng đến mục tiêu chung là góp phần cùng các cơ quan chức năng bảo đảm đời sống, an sinh cho trẻ em nghèo, khuyết tật, không để em nào bị ở lại phía sau”, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội Nguyễn Kim Hoàng nhấn mạnh.