Ai quản lý chất lượng chung cư giá rẻ?

Bất động sản - Ngày đăng : 06:54, 04/11/2016

(HNM) - Nhiều chung cư giá rẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vừa đưa vào sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng đối với các công trình nhà ở nói chung và chung cư nói riêng vẫn gặp không ít khó khăn do còn nhiều kẽ hở, phần thiệt thòi vẫn thuộc về người mua nhà. Câu hỏi đặt ra là:



Chung cư Tân Mỹ (quận 7) đang xuống cấp nghiêm trọng, một số thang máy không thể sử dụng.


Mới đây, một số hộ dân sống tại chung cư Flora Anh Đào (phường Phước Long B, quận 9) đã gửi đơn lên UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý kịp thời để bảo đảm an toàn cho hàng trăm hộ dân sống tại chung cư này. Theo ghi nhận tại một số căn hộ của chung cư Flora Anh Đào, có hiện tượng nứt tường bên trong các căn hộ, một số căn trần nhà cùng chung cảnh ngộ. Đáng lo ngại hơn cả là toàn bộ chung cư đã bị lún.

Được biết, chung cư Flora Anh Đào chỉ mới được đưa vào sử dụng giữa năm nay, tức chỉ vài tháng người dân đến ở đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, hư hỏng trên. Thực tế cho thấy, đây không phải là trường hợp cá biệt. Thời gian qua, việc xây dựng chung cư giá rẻ được thành phố khuyến khích do đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận người có thu nhập trung bình, thấp có cơ hội được sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, không ít chung cư giá rẻ xây dựng xong rất mau xuống cấp, phổ biến nhất là sụt lún, nứt tường, thấm dột... dù được đưa vào sử dụng chưa lâu.

Lý giải về hiện tượng này, kỹ sư Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, với trình độ xây dựng như hiện nay thì dễ dàng làm chủ chất lượng công trình chung cư. Do vậy, nhiều chung cư xuống cấp có thể do chủ đầu tư thi công cẩu thả.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), luật hiện nay quy định trách nhiệm nghiệm thu công trình thuộc về chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước chỉ đóng vai trò hậu kiểm. Sau khi hoàn thành nghiệm thu công trình, chủ đầu tư sẽ hoàn thành hồ sơ trình Sở Xây dựng. Nếu hồ sơ đầy đủ thủ tục, đơn vị chuyên môn của Sở Xây dựng sẽ kiểm tra thực địa, nếu thấy đủ tiêu chuẩn sẽ có biên bản đồng ý cho chủ đầu tư bàn giao căn hộ cho khách hàng. Như vậy, vấn đề đặt ra là chung cư hư hỏng, xuống cấp trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, nếu sau khi vào ở mà có hư hỏng xảy ra, người mua nhà có thể gửi đơn lên Sở Xây dựng yêu cầu xử lý. Khi nhận được yêu cầu của cư dân, Sở sẽ lập đoàn kiểm tra và có hình thức xử lý cũng như yêu cầu chủ đầu tư khắc phục nếu xét thấy trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Tuy nhiên, thực tế không ít chủ đầu tư đã phủi bỏ trách nhiệm sau khi bàn giao phí bảo trì chung cư (2%) cho Ban quản trị chung cư khiến cư dân không biết kêu ai.

Trao đổi về vấn đề này, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước chỉ quản lý ở khía cạnh pháp lý dự án, cấp quyền sở hữu nhà ở chứ không trực tiếp quản lý chất lượng dự án. Đối với những hư hỏng, xuống cấp ở mức độ nhẹ, chủ đầu tư phải có trách nhiệm khắc phục. Còn với những hư hỏng nặng như lún, nghiêng, có nguy cơ sập thì lúc này cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra, quy trách nhiệm để xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật. Cũng theo TS Đinh Thế Hiển, những quy định hiện nay về quản lý chung cư, trong đó có quản lý về chất lượng vẫn còn khoảng trống, cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, nhất là đối với những đô thị đặc thù như TP Hồ Chí Minh có rất nhiều chung cư cao tầng.

Bài, ảnh: Nguyễn Lê