Thực chất, hiệu quả, bền vững
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:07, 05/11/2016
Hiệu ứng tích cực, hiệu quả to lớn lan tỏa từ Chương trình thể hiện rõ qua tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015; riêng những xã đã đạt tiêu chí NTM mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên 28,4 triệu đồng năm 2015. Đây cũng chính là những điểm sáng được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao khi thảo luận về việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp ngày 4-11.
Tuy nhiên, bên cạnh những dấu ấn đậm nét này, vẫn còn những mặt tồn tại như nợ đọng xây dựng cơ bản (khi thực hiện Chương trình) của các địa phương ở mức cao; có hiện tượng chạy theo thành tích hoặc chưa quan tâm tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất còn thấp; đời sống văn hóa của một bộ phận người dân còn thấp; môi trường ở không ít địa phương bị ô nhiễm...
Khắc phục hạn chế, tồn tại chính là yêu cầu thực tế đặt ra để Chương trình xây dựng NTM thời gian tới đạt hiệu quả ở mức cao hơn, mà đích đến cuối cùng là nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người nông dân cũng như phát triển Ngành Nông nghiệp, khu vực nông thôn một cách bền vững. Nhìn vào những vấn đề còn tồn tại, có thể thấy ngay rằng, phải chú trọng khâu tổ chức sản xuất của nông dân hơn nữa; đồng thời đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng nông sản, xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực... Giải pháp này phải gắn liền với cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp (đầu tư vào nông nghiệp), đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu nói riêng, tiêu thụ nông sản nói chung…
Ở góc độ các bộ, ngành, địa phương, cần tiếp tục thực hiện chương trình một cách sâu rộng, thực chất và một trong những điểm đáng chú ý là cần hoàn thiện Bộ tiêu chí xây dựng NTM sát với điều kiện, tình hình thực tế, phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình. Và cũng như trên đã đề cập, để Chương trình thực sự mang lại hiệu quả bền vững, hai điểm căn cốt phải nhấn mạnh một lần nữa ở đây là đồng bộ hóa các giải pháp: Tạo sinh kế ổn định và giữ gìn bản sắc, giá trị văn hóa, môi trường sống ở mỗi vùng quê.
Với đặc thù phân bổ dân cư rộng, vai trò quan trọng đối với kinh tế - xã hội, nông thôn, nông dân và nông nghiệp - có thể gọi ngắn gọn là "tam nông" - có vị trí rất quan trọng đối với quá trình phát triển bền vững của đất nước. Để Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM phát huy hiệu quả, có những tác động lâu dài, bền vững, những vấn đề bất cập tồn tại thời gian vừa qua phải sớm được khắc phục một cách hiệu quả mà những giải pháp nêu ra cần được các cấp ủy, chính quyền phối hợp triển khai tích cực.