Quyết liệt ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép

Pháp luật - Ngày đăng : 08:14, 05/11/2016

(HNM) - Tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra phức tạp và là

Những phương tiện khai thác cát trái phép bị bắt giữ đưa về Cảng Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Tuấn Anh


Việc Công an TP Hà Nội phối hợp với lực lượng của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phát hiện, bắt quả tang 15 phương tiện thủy đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên sông Hồng vào ngày 3-11 là minh chứng thể hiện rõ quyết tâm nói trên.

Bất cập trong quản lý khoáng sản

Theo kết quả điều tra của Công an TP Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 6 doanh nghiệp được cấp phép thăm dò khoáng sản, 12 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát bãi nổi trên tuyến sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy và 14 doanh nghiệp thực hiện dự án “Nạo vét luồng đường thủy quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm các đoạn cạn”. Cùng trên tuyến sông Hồng, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp phép cho 12 doanh nghiệp được khai thác cát lòng sông. Tuy nhiên, việc cấp phép này tồn tại nhiều bất cập. Trên tuyến sông Hồng, TP Hà Nội chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác cát bãi nổi, còn các tỉnh bạn lại cấp phép khai thác cát lòng sông…

Để quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo đảm an toàn giao thông, công trình phòng, chống lũ lụt các lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, tình hình khai thác cát trái phép, sai phép trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra rất phức tạp. Theo Thượng tá Phùng Quang Hiển, khó khăn nhất trong công tác đấu tranh xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép là giữa TP Hà Nội và các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên chưa phân định rõ ràng về địa giới hành chính dưới sông. Ngoài ra, do lực lượng Công an thành phố không có thiết bị hỗ trợ nên rất khó khăn xác định ranh giới, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để xử lý…

Hoạt động khai thác cát trái phép, sai phép không chỉ gây thất thoát tài nguyên, khoáng sản, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, mà còn là nguyên nhân chính gây sạt lở đất, đe dọa an toàn công trình đê điều, phòng chống lũ lụt... Hậu quả rõ nhất vào cuối tháng 8 vừa qua, nhiều đoạn đê hữu Hồng, thuộc địa bàn các huyện Ba Vì, Phú Xuyên, Thường Tín, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây… bị sạt lở bờ, bãi sông, hư hại công trình đê điều, gây bức xúc nhân dân…

Nhiều giải pháp quyết liệt

Để quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, an toàn công trình phòng, chống lũ lụt, bảo đảm an ninh trật tư, TP Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan xây dựng và triển khai nhiều giải pháp. Sở Nội vụ, Sở TN-MT Hà Nội đã chủ động phối hợp với Bộ TN-MT làm việc với các sở, ngành chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất xác định địa giới hành chính giữa hai huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Lạc của tỉnh này với huyện Phúc Thọ (Hà Nội).

Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội bàn giao cho Công an thành phố 23 bộ thiết bị định vị cầm tay phục vụ cho việc xác định ranh giới, đấu tranh ngăn chặn hành vi khai thác cát trái phép, sai phép. Công an TP Hà Nội, đơn vị chủ công trong đấu tranh khai thác cát trái phép, đã xây dựng Kế hoạch số 120/KH-CAHN-PC49 ngày 9-5-2016 và Phương án số 222/PA-CAHN-PV11 ngày 23-8-2016 về tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi trên sông thuộc địa bàn TP Hà Nội...

Riêng 10 tháng đầu năm 2016, Công an thành phố đã bắt giữ 151 vụ, với 191 đối tượng, phạt vi phạm hành chính 2,8 tỷ đồng, tịch thu gần 300 đầu nổ, sên vòi.


Triển khai kế hoạch và phương án trên, ngày 3-11, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với lực lượng của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phát hiện, bắt quả tang 15 phương tiện thủy đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn huyện Đan Phượng và quận Bắc Từ Liêm. Trong đó, tại quận Bắc Từ Liêm, lực lượng chức năng bắt giữ 7 phương tiện gồm 4 tàu hút sang mạn không có biển số do Trần Văn An (SN 1993), Trần Văn Tuấn (SN 1978), Trần Văn Huấn (SN 1991), Phạm Văn Nghĩa (SN 1986) đều có hộ khẩu thường trú ở Nghĩa Hưng, Nam Định điều khiển; 3 phương tiện chở cát gồm tàu biển số BN-1237 trọng tải 740 tấn, tàu biển số BN-1200 trọng tải 400 tấn và tàu có biển số HD-1971 trọng tải 600 tấn.

Tại bờ phải sông Hồng thuộc địa bàn xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, lực lượng chức năng bắt giữ tàu hút sang mạn không có đăng ký do Lê Hoàng Việt (SN 1985, hộ khẩu thường trú tại xã Liên Hà) điều khiển đang khai thác cát trái phép đưa lên khoang tàu hàng có số đăng ký Hta-0287; tàu hút sang mạn không có đăng ký do Hoàng Ngọc Tuân (SN 1972, hộ khẩu thường trú tại xã Liên Hồng, Đan Phượng) điều khiển đang khai thác cát trái phép đưa lên khoang tàu hàng có số đăng ký HD-1059 và tàu có số đăng ký HT-0099; tàu hút sang mạn không có đăng ký do Nguyễn Văn Mười (SN 1984, hộ khẩu thường trú tại xã Hợp Thịnh, Hiệp Hòa, Bắc Giang) và tàu hút sang mạn không có đăng ký do Vũ Văn Thế (SN 1986, hộ khẩu thường trú tại Hoàng Quốc Việt, Kiến An, Hải Phòng) điều khiển đang cùng khai thác cát trái phép đưa lên khoang tàu hàng không có số đăng ký, có số đăng kiểm VR-16041381.

Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy cho biết, hiện những phương tiện này đang được tạm giữ để cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, lập hồ sơ xử lý và sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Thời gian tới, Cảnh sát đường thủy và các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác tuần tra, mật phục để phát hiện vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này. 

Kim Nhuệ - Thành Tâm