Bầu cử Tổng thống Mỹ: Nóng bỏng chặng đua cuối

Thế giới - Ngày đăng : 07:26, 05/11/2016

(HNM) - Dù kỳ nghỉ cuối năm với lễ Giáng sinh tuyết phủ đang tới gần, nhưng cả nước Mỹ lại nóng bỏng và rộn ràng với cuộc đua vào chiếc ghế tại Nhà Trắng đã cận kề. Việc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo xem xét lại bê bối thư điện tử của bà Hillary Clinton ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu đã tăng thêm kịch tính cho cuộc bầu cử.

Bà H.Clinton vẫn đang giành ưu thế trước đối thủ D.Trump.


Nhiều ý kiến lo ngại đối thủ Cộng hòa Donald Trump sẽ có cơ hội vượt lên. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò gần đây nhất cho thấy ứng viên đảng Dân chủ vẫn giữ được ưu thế dẫn đầu. Với “truyền thống” bầu cho phe Dân chủ của các bang lớn như New York và California, bà H.Clinton hiện đang được giới phân tích dự đoán có khả năng thu về ít nhất 226 phiếu đại cử tri. Thách thức còn lại sẽ nằm ở các bang Bắc Carolina, Virginia, Florida, Ohio, Arizona và Iowa.

Trong đó, bang Florida (có 29 phiếu đại cử tri) được xem là đặc biệt hơn cả. Đây là nơi ông D.Trump đã thể hiện sự tự tin mạnh mẽ về chiến thắng trong buổi vận động ngày 2-11. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng vị tỷ phú này đang trải qua giai đoạn tranh đua vất vả. Tới nay, ông mới chỉ nắm chắc khoảng 180 phiếu đại cử tri, đồng nghĩa rằng quãng đường tới chiến thắng cuối cùng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các bang mang tính trung lập tương đối. Hiện nay, những thăm dò cử tri tại bang Arizona - vốn là thành trì kiên cố nhiều năm của đảng Cộng hòa - lại cho kết quả hòa trong khi bang Pennsylvania và Nevada đều có xu hướng ngả về phía “người phụ nữ thép” nhà Clinton.

Mặt khác, giới tài chính Mỹ - lực lượng vốn được cho là ủng hộ mạnh mẽ ông D.Trump - đã thể hiện rõ xu hướng đảo chiều. Bà H.Clinton đang chiếm được thiện cảm hơn từ nhóm cử tri này nhờ được đánh giá có thể giữ nguyên hiện trạng và duy trì sự ổn định của thị trường tài chính. Trong khi đó, quan điểm của vị tỷ phú New York về chính sách đối ngoại, thương mại và nhập cư được cho là sẽ tạo ra bất ổn, khiến các nhà đầu tư lo lắng. Vì thế, theo tính toán hiện thời, để có cơ hội bước chân vào Nhà Trắng, ứng viên đảng Cộng hòa bắt buộc phải có được sự ủng hộ của cả bang Florida và Bắc Carolina.

Dẫu vậy, dù đang dẫn trước, phe Dân chủ vẫn chưa thể vui mừng sớm. Kết quả của những cử tri bỏ phiếu sớm cho thấy bà H.Clinton mới chỉ dẫn trước đối thủ khoảng 8%. Ở cùng giai đoạn hồi năm 2012, Tổng thống Barack Obama bỏ xa đối thủ Mitt Romney tới 11% và bị thu hẹp xuống chỉ còn 6% ngay trước ngày bầu cử chính thức. Trong khi đó, tại bang Florida, khoảng cách của cựu đệ nhất phu nhân Mỹ so với đối thủ trong các thăm dò của Reuters/Ipsos cũng không lớn như ông B.Obama khi chỉ đạt 8% so với 15% của đương kim Tổng thống Mỹ.

Tình trạng tương tự xảy ra tại bang Ohio với tỷ lệ tương ứng là 20% so với 30%. Một trong những lý do là bà H.Clinton không có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi như vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Tín hiệu vui duy nhất ở nhóm sắc tộc có lẽ chỉ là việc 60% người Hispanic (người Mỹ gốc Tây Ban Nha) có xu hướng ủng hộ cựu Ngoại trưởng Mỹ - tương đương với tỷ lệ của Tổng thống B.Obama 4 năm trước đây.

Một số nhận định cũng cho rằng, cả hai ứng viên dường như đã dùng hết những “quân bài đắt giá” trên các chặng đua, từ những tài liệu, cáo buộc, khơi lại các vụ bê bối đến công bố điều tra rúng động... Những “vũ khí” còn lại chỉ là những đòn bẩy mang tính cục bộ như các thông tin, dẫn chứng nhỏ, phát biểu của các quan chức cùng phe... để “phụ họa” cho chiến dịch tranh cử của mình. Một điển hình là buổi nói chuyện của Tổng thống B.Obama tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill vừa qua.

Trong đó, ông chủ Nhà Trắng cho rằng, ứng viên Cộng hòa không đủ năng lực để trở thành người lãnh đạo nước Mỹ, đồng thời chỉ trích Giám đốc FBI James Comey về việc lại lôi lại vấn đề thư điện tử của bà H.Clinton như một cố gắng nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử. Do đó, trong thời gian tới, hầu hết những động thái nếu có của hai ứng cử viên đều được cho là chủ yếu nhằm vào việc hạ thấp ảnh hưởng của đối thủ, gia tăng cơ hội được cử tri bỏ phiếu thay vì có thể tạo ra bất cứ đột biến nào.

Hoàng Linh