Văn minh, thanh lịch phải gắn với hạnh phúc gia đình
Xã hội - Ngày đăng : 06:17, 06/11/2016
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội Trần Thị Phương Hoa. |
Xây dựng hình ảnh phụ nữ Hà Nội thanh lịch, văn minh
- Trong bài phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chúc mừng Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố lần thứ XV vừa qua có nhấn mạnh đến việc phụ nữ góp phần không nhỏ vào phong trào “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Vậy, các cấp Hội Phụ nữ đã thực hiện phong trào này như thế nào, thưa bà?
- Hà Nội là nơi hội tụ những tinh hoa của dân tộc Việt Nam, vì thế người Thủ đô càng phải tiêu biểu cho nhân dân cả nước về tất cả các mặt. Việc xây dựng người phụ nữ Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được Hội LHPN Hà Nội cụ thể hóa thành Đề án “Văn hóa ứng xử người phụ nữ Hà Nội thanh lịch, văn minh” cũng chính là góp phần xây dựng văn hóa Thủ đô và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xác định rõ điều này, các cấp Hội luôn coi trọng việc thực hiện nội dung nói trên với những tiêu chí được định hướng dựa trên nền tảng xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có bổ sung những nét tinh tế, thanh lịch đặc trưng của phụ nữ Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, giữ gìn thuần phong mỹ tục, với việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới.
Thực tiễn cuộc sống hiện nay đang chứng minh trong nếp sống, phong cách làm việc... người Hà Nội vẫn thể hiện được nét đặc trưng riêng có. Con gái Thủ đô bây giờ là hiện thân của một Hà Nội hiện đại, năng động và đầy sức sống mới. Họ làm việc trong những công sở, văn phòng, những trung tâm thương mại hay ngay tại các cửa hàng, cửa hiệu... và vẫn mang những phong cách truyền thống, khi được giáo dục bởi những giá trị văn hóa sâu sắc.
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ đã tích cực đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng người phụ nữ Hà Nội thanh lịch, văn minh gắn với các phong trào thi đua, như: “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”... Qua đó, góp phần nâng cao trình độ học vấn, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề; rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống “văn minh - thanh lịch” và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
- Có sự gắn kết nào giữa việc xây dựng người phụ nữ Hà Nội thanh lịch, văn minh với xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc?
- Theo tôi, nét thanh lịch của người phụ nữ Hà Nội còn là cái duyên thầm ẩn sâu trong cử chỉ, phong cách ứng xử, cả trong gia đình đến ngoài xã hội.
Trước hết là trong ứng xử gia đình, người phụ nữ Hà Nội xưa nổi tiếng là đảm đang, đằm thắm, ý nhị. Đó là “vũ khí” để họ giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trong gia đình, người vợ, người mẹ luôn là ngọn lửa sưởi ấm, gìn giữ nếp nhà. Với con cái, những người bà, người mẹ luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục nhân cách cho trẻ. Họ uốn nắn con trong từng cử chỉ, lời nói, nhất là con gái. Chính nhờ thế, cho đến bây giờ, nhiều phụ nữ Hà Nội hiện đại dù thành đạt và bận rộn với công việc, vẫn luôn dành thời gian để chăm sóc gia đình.
- Theo bà, phụ nữ cần làm gì để giữ được nét đẹp truyền thống mà vẫn thích nghi với đời sống hiện đại?
- Phong cách đi đứng, giao tiếp trong văn hóa ứng xử của người phụ nữ Hà Nội nay cũng đã khác xưa rất nhiều. Trước đây dấu ấn về người con gái Tràng An chính là mẫu người thanh tao, đoan trang, nhã nhặn. Nét thanh tao ấy thể hiện ngay trong cách đi đứng, ứng xử giao tiếp thường ngày. Đó chính là nét đẹp thanh lịch, cần được giữ gìn và phát huy trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nếp sống, lối sống của người phụ nữ Thủ đô, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh.
Phải đi đầu về văn minh thương mại
- Trong hoạt động Hội, việc thu hút hội viên đã khó, để duy trì các phong trào lại càng khó hơn. Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ làm thế nào để nâng cao tính tự chủ, phát huy năng lực, tính sáng tạo, đảm đang của các thế hệ phụ nữ Thủ đô trong các phong trào thi đua?
- Bằng nhiều hình thức tuyên truyền và có các giải pháp hỗ trợ cán bộ, hội viên thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và đề án "Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt" gắn với xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc. Tổ chức các buổi tọa đàm từ các chi, tổ phụ nữ, sinh hoạt CLB, diễn đàn, thi tìm hiểu về văn hóa, ứng xử, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc. Từ thành phố đến quận, huyện và cơ sở tập huấn các chuyên đề về nét đẹp thanh lịch người Hà Nội, văn hóa ứng xử, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc cho trên 18.000 lượt cán bộ, hội viên nòng cốt và báo cáo viên cơ sở.
- Vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ trong giữ gìn trật tự văn minh đô thị, xây dựng nét đẹp của người dân phố cổ như thế nào?
- Có thể nói, nét đẹp thanh lịch, văn minh là đặc trưng nổi bật của người dân phố cổ, vừa mang tính lịch sử truyền thống, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thời đại. Các cấp hội ở địa bàn phố cổ đã vận động phụ nữ và bà con kinh doanh thực hiện giao tiếp ứng xử có văn hóa, ăn mặc lịch sự, nói năng nhẹ nhàng. Ngoài ra, phong trào “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng” tiếp tục được cán bộ, hội viên hưởng ứng. Đặc biệt, ở phường Hàng Buồm còn xây dựng một số mô hình phụ nữ tuyên truyền văn hóa ứng xử, trật tự văn minh đô thị, tiêu chí về “Văn hóa trong kinh doanh thương mại” và mở lớp dạy tiếng Anh để hỗ trợ phụ nữ kinh doanh trong xu thế hội nhập.
- Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong xây dựng văn minh thương mại. Vậy bà đánh giá thế nào về việc bà chủ quán “bún mắng, cháo chửi” được phản ánh cách đây chưa lâu trên kênh truyền hình CNN?
- Phụ nữ Hà Nội không ưa cách nói cộc lốc, trống không, chỏng lỏn, xách mé, trịch thượng, không cười hô hố, gọi nhau ơi ới. Vì vậy mà người phụ nữ Hà Nội đích thực càng không thể nói bậy, chửi thề... Lời nói của người phụ nữ Hà Nội dịu dàng đáng yêu còn do cách nói chuyện “thưa gửi, vâng dạ” và đôi chút rào đón bằng lời xin lỗi hoặc lời cảm ơn, khiến cho ai đó mỗi khi gặp gỡ, giao thiệp đều cảm thấy hài lòng, quý trọng và cảm kích. Văn hóa phục vụ khách hàng đã bị biến đổi, một số người không còn giữ được những nét đẹp vốn có của người Hà Nội xưa. Ngoài "bún mắng, cháo chửi” là vấn nạn “chặt chém” khách, “đong lừa, cân điêu, bán thiếu”, bán hàng kém chất lượng xảy ra ở một số ít chị em làm kinh doanh. Những người như vậy cần góp ý để họ điều chỉnh hành vi lời nói của mình. Theo tôi được biết, là sau khi các bài báo lên tiếng, thì chị chủ quán đã nhận ra điều không hay trong cách ứng xử với khách và có sự sửa đổi.
Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm!
- Với cương vị là Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, xin bà cho biết sẽ làm thế nào để chị em tham gia tích cực xây dựng hình ảnh người Hà Nội văn minh, thanh lịch?
- Chương trình 04 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh" giai đoạn 2011-2015 được các tầng lớp phụ nữ hưởng ứng nhiệt tình và đạt kết quả tốt. Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, văn hóa trong giao tiếp ứng xử có nhiều chuyển biến tích cực. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình và trong cộng đồng xã hội được nâng lên. Các truyền thống tốt đẹp trong gia đình, họ tộc, cộng đồng dân cư được kế thừa và phát huy đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào của người Hà Nội với truyền thống văn hiến ngàn năm, nhất là thế hệ trẻ.
Đặc biệt, từ năm 2012, mô hình điểm “Chi hội phụ nữ văn minh” được các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội triển khai với nội dung, tiêu chí, giải pháp, biện pháp cụ thể. Sau 4 năm thực hiện, ý thức của cán bộ - hội viên - phụ nữ và gia đình đã được nâng lên, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Đến nay đã có 1.629 chi hội đăng ký thực hiện (chiếm tỷ lệ 28,52%).
- Người ta nói "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", vậy Hội có những hỗ trợ gì để giúp chị em vừa hoàn thành công việc vừa có đủ thời gian làm tròn bổn phận?
- Như tôi đã nói ở trên, hằng năm, Hội Phụ nữ cơ sở rà soát và đề ra các biện pháp cụ thể, phù hợp giúp đỡ 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ như: Cho vay vốn, giúp cây giống, con giống, ngày công lao động, giới thiệu việc làm, tiêu thụ sản phẩm, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay. 100% các chi hội phụ nữ triển khai mô hình tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ, thu hút 688.452 (81,4%) hội viên phụ nữ tham gia với số dư gần 274 tỷ đồng cho 44.301 phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình. 5 năm qua, các cấp Hội Phụ nữ toàn thành phố đã giúp 12.092 hộ phụ nữ thoát nghèo, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho phụ nữ và gia đình trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, hoạt động dạy nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm có nhiều đổi mới: Tăng cường liên kết tổ chức đào tạo nghề và tạo việc làm tại chỗ cho lao động, nhờ đó, chị em hội viên có thể hoàn toàn yên tâm công tác và xây dựng tổ ấm của gia đình mình.
Công tác hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh - hạnh phúc được gắn với thực hiện đề án “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”. Các cấp hội tập trung tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử, vai trò của các thành viên trong gia đình, kiến thức nuôi dạy con, bình đẳng giới... 5 năm qua, đã có 687.589 bà mẹ được hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng về cuộc sống gia đình (đạt tỷ lệ 88%). Trong đó số bà mẹ có con dưới 16 tuổi đạt 73% (vượt chỉ tiêu đã đề ra 13%).
- Trân trọng cảm ơn bà!