Taxi ngoại tỉnh - áp lực lớn cho giao thông Thủ đô
Giao thông - Ngày đăng : 07:20, 06/11/2016
Phá vỡ quy hoạch taxi
Từ tháng 10-2011, TP Hà Nội đã tạm dừng cấp phép thành lập thêm hãng taxi và không cho tăng số lượng xe của các đơn vị đang hoạt động trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời tổ chức rà soát, kiểm đếm phương tiện taxi và đưa ra nhiều giải pháp nhằm quản lý hiệu quả loại hình này.
Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý taxi ngoại tỉnh hoạt động tại Hà Nội. |
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, theo Đề án taxi đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, năm 2015, số lượng taxi của thành phố là 20.000 xe; đến năm 2020 sẽ phát triển số lượng 25.000 xe. Bằng các giải pháp quản lý, hiện số đầu phương tiện hoạt động trên địa bàn do Sở GT-VT Hà Nội cấp phép đã cơ bản ổn định, với tổng số 19.265 xe, thuộc quản lý của 77 đơn vị (giảm so với thời điểm năm 2012 là 37 đơn vị, do nhiều đơn vị có quy mô nhỏ đã chủ động sáp nhập với đơn vị có quy mô lớn, đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định hiện hành), nằm trong phạm vi cho phép của Đề án taxi được duyệt.
Tuy nhiên, do có nhu cầu phát triển mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nên một số doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vận tải tại Hà Nội đã thành lập chi nhánh tại các tỉnh lân cận (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định,...), đầu tư phương tiện và xin cấp phù hiệu của các tỉnh đó. Hầu hết các phương tiện sau khi được cấp phù hiệu lại trở về hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội. Lãnh đạo Bộ GT-VT thừa nhận việc hoạt động không đúng địa bàn đã phá vỡ quy hoạch taxi, nó một mặt gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, gây mất trật tự an toàn giao thông, mặt khác đi ngược lại với chủ trương hạn chế gia tăng số lượng xe taxi trên địa bàn Hà Nội. Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện có gần 3.000 xe ngoại tỉnh đang hoạt động trên các tuyến phố ở Hà Nội.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GT-VT) thừa nhận, việc các xe taxi được các sở GT-VT địa phương cấp phù hiệu về hoạt động thường xuyên trên địa bàn TP Hà Nội ảnh hưởng đến trật tự giao thông đô thị của Hà Nội… Theo quy định hiện hành, UBND cấp tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi; quản lý hoạt động vận tải bằng xe taxi, xây dựng và quản lý điểm đỗ cho xe taxi trên địa bàn. Nội dung này là một trong các quy định để bảo đảm tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, bảo đảm phát triển giao thông đô thị phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Chính vì vậy, xe taxi được Sở GT-VT cấp phù hiệu, phải hoạt động thường xuyên trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi cấp phù hiệu.
Buông lỏng quản lý,thiếu giám sát
Các chuyên gia giao thông cho rằng, quy định về hoạt động taxi đã rất rõ: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có trung tâm điều hành tại địa phương nơi được cấp phép, duy trì hoạt động của trung tâm điều hành với lái xe, đăng ký tần số liên lạc và có thiết bị liên lạc giữa trung tâm với các xe thuộc đơn vị. Ngoài ra, phải có bãi tập kết xe tại địa phương và giao ca hằng ngày... Việc hàng nghìn taxi do các tỉnh cấp phù hiệu nhưng lại hoạt động thường xuyên tại Hà Nội, trách nhiệm chính thuộc về Sở GT-VT các tỉnh này. Đây chính là biểu hiện của sự buông lỏng quản lý, thiếu giám sát.
Thanh tra giao thông lập biên bản xử phạt xe taxi mang phù hiệu do tỉnh Hưng Yên cấp, vi phạm giao thông tại Hà Nội. Ảnh: Thanh Bình |
Theo ông Đào Việt Long, hiện chưa có quy định cụ thể nào cấm taxi ở các tỉnh khác về Hà Nội trả khách. Tuy nhiên, Sở GT-VT các tỉnh cấp phù hiệu cho các đơn vị vận tải trên địa bàn nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại địa phương đó. Các phương tiện này hoạt động thường xuyên tại Hà Nội là không đúng với phương án kinh doanh đã đăng ký với các cơ quan chức năng.
"Để hạn chế tối đa tình trạng cấp phù hiệu một nơi hoạt động một nẻo, Bộ GT-VT sẽ tiếp tục chỉ đạo các Sở GT-VT địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi phương tiện taxi qua hệ thống giám sát hành trình để quản lý và yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm túc phương án kinh doanh đã đăng ký, bảo đảm phương tiện taxi đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân tại địa phương nơi được cấp phù hiệu, không gây mất trật tự giao thông ở địa phương khác" - ông Trần Bảo Ngọc nói.
Đại diện Thanh tra GT-VT và Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) cho biết, đa số các xe vi phạm quy định về Luật Giao thông đường bộ (vi phạm dừng đỗ, sai làn đường, rà rê đón khách tại các bến xe, bệnh viện...) trên địa bàn Hà Nội đều nằm ở những xe này. Thời gian tới, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm kiên quyết loại trừ tình trạng taxi ngoại tỉnh về Hà Nội hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, giải pháp triệt để vẫn nằm trong tay các cơ quan quản lý cấp phù hiệu cho gần 3.000 taxi này.