Cơ cấu lại nguồn vốn, tránh đầu tư dàn trải

Kinh tế - Ngày đăng : 06:10, 06/11/2016

(HNM) - Trong tuần qua, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và dư luận rất quan tâm là Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhằm cơ cấu lại nguồn vốn và khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải.


Trong phiên thảo luận tại hội trường về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, các ĐBQH đã ghi nhận những kết quả đã đạt được trong thực hiện đầu tư công giai đoạn 2011-2015, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn. Đại biểu Tống Thanh Bình (Đoàn Lai Châu) nhận xét, vốn đầu tư đã được bố trí tập trung ưu tiên cho các dự án quan trọng, các chương trình mục tiêu quốc gia, mục tiêu xóa đói giảm nghèo, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, hạn chế dự án khởi công mới.


Các dự án giao thông là lĩnh vực cần nguồn vốn lớn. Ảnh: Khánh Huy


Trong khi đó, đại biểu Y Khút Niêk (Đoàn Đắk Lắk) dẫn chứng từ Báo cáo của Chính phủ: Số dự án hoàn thành giai đoạn 2011-2015 tăng nhanh, nhất là dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương và trái phiếu chính phủ, số lượng dự án khởi công mới từ vốn ngân sách trung ương giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Đặc biệt, mức vốn bố trí bình quân cho một dự án tăng, từ 9,54 tỷ đồng năm 2012 lên 14,2 tỷ đồng năm 2015 (tăng 85%). Cùng với đó, việc Chính phủ lần đầu tiên xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được nhiều ĐBQH đánh giá sẽ giúp các cơ quan, địa phương tổ chức thực hiện chủ động hơn, hạn chế cơ chế xin - cho và chồng chéo giữa các nguồn lực.

Tuy nhiên, góp ý vào kế hoạch này, nhiều ĐBQH cũng thẳng thắn nêu quan điểm nhằm tạo sự phát triển bền vững, hiệu quả. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phân tích: Ngân sách và đầu tư công có vai trò là nguồn lực và động lực cho phát triển, nhưng cần quản lý tốt để tránh thất thoát. Khâu đầu tiên phải cải cách là cơ chế xét duyệt mục đích và chủ trương đầu tư. Không quốc gia nào kể cả những nước phát triển có đủ ngân sách đáp ứng nhu cầu đầu tư công. Nếu chỉ xét về tính cần thiết để phê duyệt, không dự án nào không cần thiết, sân bay, bến cảng, đường sá, trường học, bệnh viện, công viên, thậm chí vệ tinh, tàu ngầm, thám hiểm vũ trụ đều cần thiết cả. Đường sắt cao tốc cũng cần mà cầu treo cho đồng bào miền núi cũng cần, điện hạt nhân cũng cần và đường điện đến tận xóm làng xa xôi cũng cần. Do đó, việc chọn và xét duyệt mục tiêu đầu tư đòi hỏi nhận thức và tầm nhìn chiến lược đúng đắn, cách làm khách quan hợp lý và hài hòa.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) đề cập đến việc phân bổ của kế hoạch. Cụ thể là chưa bám sát quan điểm, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư đã nêu trong báo cáo. Đồng tình với quan điểm này, một số ĐBQH đề nghị Quốc hội quyết định hướng tiêu chí, nguyên tắc phân bổ đối với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, còn dự án, chi phí đầu tư nên giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoặc Chính phủ quy định.

Khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải

Giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn là vấn đề khó vì nhu cầu lớn, các nhiệm vụ, mục tiêu nhiều và đều nhằm thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, phù hợp với kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm, kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, trong khi khả năng về ngân sách hạn hẹp, khả năng huy động nguồn lực khó khăn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, định hướng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là định hướng đầu tư tất cả các nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Về quan điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng cho biết, đầu tư công trung hạn một mặt nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Mặt khác đầu tư công cũng thực hiện các mục tiêu xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ miền núi, đồng bào dân tộc các vùng kinh tế khó khăn, đầu tư cơ sở hạ tầng các lĩnh vực. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội... Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ nhất trí với ý kiến của ĐBQH về kế hoạch đầu tư công phải được xây dựng trên các quan điểm phù hợp với kế hoạch phát triển 5 năm, chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và gắn với chiến lược nợ công, phù hợp với kế hoạch tài chính 5 năm, với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, chú trọng thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Đặc biệt là trong điều kiện ngân sách khó khăn thì việc lựa chọn mục tiêu, định hướng cấp bách để ưu tiên đầu tư, khắc phục tình trạng dàn trải là rất cần thiết và cần cơ cấu lại nguồn vốn, tập trung cho các dự án trọng điểm có tính lan tỏa, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã thực hiện đúng quan điểm nêu trên, thực hiện rõ trong các nguyên tắc xây dựng kế hoạch và phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư trung hạn...

Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vào cuối kỳ họp này.

Thanh Hải