Bài 1: “Tiếng vọng” từ ký ức…
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:14, 07/11/2016
Thăng Long - Hà Nội, mảnh đất gắn liền với tên gọi “đất trăm nghề”, nơi mỗi sản phẩm truyền thống đều in đậm dấu ấn bàn tay tài hoa của những nghệ nhân đầy tâm huyết. Không chỉ mang lại đời sống ấm no, nghề truyền thống còn trở thành biểu tượng, tạo nên nét văn hóa riêng có cho mỗi vùng quê… Tiếc thay, nhiều nguyên nhân đã khiến bao ngành nghề, có tuổi đời hàng trăm năm chẳng thể trụ vững, trở thành cái tên “vang bóng một thời”… Liệu nghề cổ có còn cơ hội hồi sinh hay mãi là tiếng vọng xót xa từ ký ức? Đó thực sự là câu hỏi chẳng dễ trả lời!
Bài 1: “Tiếng vọng” từ ký ức…
Các bậc cao niên ở làng Kim Hoàng (Vân Canh, Hoài Đức) nhớ lại: “…Trận vỡ đê Liên Mạc năm Ất Mão (1915) đã làm ngập cả một vùng phía Tây Hà Nội, cuốn trôi kho ván của phường tranh Kim Hoàng. Một vài người dân, vì tiếc ván làm tranh, đã cố giữ lại, nhưng sau do đói kém, rét mướt, đành bán đi hoặc biến chúng thành củi để sưởi ấm. Thiên hạ khó khăn, cái ăn còn thiếu, có đâu mà chơi tranh, cho làng vực lại nghề… Cứ thế, Kim Hoàng mất hẳn một dòng tranh…”.
Tranh lợn độc Kim Hoàng. |
Nhớ nghề “muôn năm cũ”
Rực rỡ trên nền giấy hồng điều, vui nhộn ở hình vẽ, sâu lắng ở đề tài và đa dạng ở cách thể hiện, tranh Kim Hoàng (còn gọi là tranh đỏ) là một trong ba đại diện tiêu biểu cho dòng tranh dân gian vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Tương truyền, dòng tranh đậm chất thôn dã ấy được người của dòng họ Nguyễn Sỹ, di cư từ Thanh Hóa ra Kim Hoàng dựng nên, chẳng mấy chốc mà tạo thành tên tuổi. Từ một vài hộ dân, nghề làm tranh, buôn tranh lan khắp làng, đặc biệt nhộn nhịp vào những tháng cuối năm, khi nhu cầu về tranh thờ, tranh treo Tết… trong dân gian nở rộ.
Cụ Trần Ất (92 tuổi), người xóm 6, thôn Kim Hoàng, hồi tưởng: “Tôi nhớ nhất những ngày phường tranh mở kho, phát ván cho các hộ gia đình tới lĩnh. Những dịp đó, trẻ con chúng tôi thường háo hức chen chân xem người phường tranh dâng hương, cúng tế thánh sư trong ánh nến cùng mùi khói hương ngào ngạt. Lễ lạt xong xuôi, kho ván được chủ phường mở ra, tùy đăng ký trước đó của từng nhà mà phân phát. Phổ biến nhất vẫn là mẫu ván tranh thờ ông Công, ông Táo, tiến tài, tiến lộc, Đức Lưu Quang, Phúc Mãn Đường..., thứ đến là các tấm chạm tranh chơi Tết, khắc họa những con vật, hoạt cảnh… gần gũi với đời sống nông thôn. Trong quá trình làm tranh, có đôi khi các hộ sản xuất cũng trao đổi ván khắc cho nhau, để sản phẩm làm ra đa dạng hơn. Hết mùa tranh, ván khắc lại được trả về kho, cất kỹ chờ vụ mới”.
Cụ Trần Sơn Phương (90 tuổi) lại có những ký ức riêng khác về nghề tranh ở Kim Hoàng: “Chẳng là cụ thân sinh tôi làm nghề buôn tranh, cứ Tết đến lại đón hàng mang bán khắp vùng. Đều đặn từ chập tối, cụ đến những mối quen lấy tranh, ràng buộc cho kỹ rồi sớm sau vào các chợ trong vùng bán cho bà con. Ngày đó việc buôn bán đơn sơ mà vui lắm. Tranh Kim Hoàng là thứ không thể thiếu trong các gia đình dịp Tết nên hàng lấy ngày nào, cụ tôi bán hết ngày đó. Chiều về gánh trên vai cha nhẹ bẫng, mấy anh em tôi hớn hở chạy theo, đòi cha cho đu bám dây quang…”.
Việc sản xuất, bán buôn của phường tranh Kim Hoàng cứ thế phát triển rực rỡ tưởng chẳng bao giờ có thể lụi tàn. Thế nhưng trận lụt năm nào đã cuốn trôi tất cả. Sau thiên tai, đời sống khó khăn hơn trước rất nhiều, thói quen chơi tranh ngày Tết, dần phai nhạt theo thời gian, khiến nghề in tranh của làng “rã đám”. Một vài hộ ở Kim Hoàng thời gian đầu còn cố công bám nghề, vì hy vọng, vì tiếc nhớ, sau rồi trụ không nổi, cũng đành buông bỏ...
Tiếng vang ngày ấy, bây giờ…?
Giống với nghề làm tranh Kim Hoàng, nghề seo giấy ở Đông Xã (phường Bưởi, Tây Hồ) đã từng là nét chấm phá, tạc nên hồn cốt cho cảnh vật, con người đất Kinh kỳ vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Qua lời kể của người già trong làng, những ngày tháng ấy, khắp vùng Yên Thái (phường Bưởi hiện giờ) chẳng mấy khi ngớt tiếng chày khua.
Nghề làm giấy vất vả lại phải trải qua nhiều công đoạn để có thể biến thứ nguyên liệu vỏ cây xù xì, thô ráp thành thếp giấy mượt mà, hoàn chỉnh, nhưng người thợ làng giấy chẳng vì thế mà nản lòng. Không phụ lòng người, nghề seo giấy cũng mang lại cho người Yên Thái cuộc sống sung túc, giúp cho nhiều dòng họ trong làng có sự vinh danh tột bậc (như dòng họ Nguyễn Thế với sản phẩm giấy dó lụa được các triều vua chọn làm giấy viết sắc phong, chiếu chỉ…).
Tuy nhiên, việc sản xuất giấy ở Yên Thái cũng chỉ duy trì được đến hết thập kỷ 80 rồi mất hẳn do thiếu nguyên liệu sản xuất cũng như không tìm được đầu ra cho sản phẩm. “Hình bóng” làng giấy xưa giờ chỉ còn tồn tại qua những trang gia phả sờn cũ, ố vàng như một lời nhắc nhớ từ lịch sử.
Câu chuyện tranh Kim Hoàng, giấy dó Đông Xã… chỉ là một vài trong rất nhiều ví dụ mỗi khi người ta “chạm” tới đề tài “Khi xưa đã có một nghề…” ở Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Với danh xưng “đất trăm nghề”, khắp vùng Kinh kỳ nghìn năm văn hiến xuôi về Xứ Đoài mây trắng, đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp những làng nghề, phố nghề có tuổi đời hàng trăm đến nghìn năm tuổi. Trải qua bao biến thiên lịch sử, nhiều nghề vẫn còn trụ vững, phát triển đến ngày nay, đem lại cuộc sống sung túc cũng như góp phần tạo nên hồn cốt cho mảnh đất đã ươm mầm cho nghề phát triển.
Bên cạnh đó, cũng có không ít làng nghề, trước sự bào mòn của thời gian, những xô đẩy của nhịp sống hiện đại, đã bị mai một, chịu cảnh “sống” lay lắt trong cơ chế thị trường. Nhiều làng nghề, thậm chí, chỉ còn tồn tại qua tên gọi hay những ký ức nhớ - quên, rời rạc của lớp người già. Tiêu biểu như các nghề: Sản xuất đồ chơi thủy tinh Giáp Long (Thường Tín); đúc đồng Ngũ Xã (Ba Đình); tết thao Triều Khúc (Thanh Trì); cối tre Đa Chất (Phú Xuyên); rồng vải Đa Sỹ (Hà Đông); dệt lĩnh (phường Bưởi, Tây Hồ); thêu tranh Vân Canh (Hoài Đức)…
Từng là một phần không thể thiếu tại nhiều làng nghề, phố nghề trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, nghề truyền thống không chỉ góp phần bồi đắp nên sự trù phú cho cả một vùng mà còn tạo nên bản sắc văn hóa thông qua những giá trị lâu đời mà nghề lưu giữ. Cùng với đó, trải qua bao thế hệ cha truyền con nối, sản phẩm nghề thủ công truyền thống ngày càng được hun đúc, hoàn thiện hơn - như một cách lưu dấu những sáng tạo bền bỉ của lớp nghệ nhân giỏi kinh thương, giàu kiêu hãnh, luôn lấy chữ tín làm đầu…
Những yếu tố ấy khiến cho nhiều nghề xưa cũ, dù đã “ngủ vùi” trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc, vẫn chưa bao giờ bị lãng quên, mỗi khi có dịp, người ta vẫn nhắc nhớ về nó với niềm tự hào sâu kín. Tiếc nhớ là vậy nhưng chẳng mấy ai dám mơ tới việc “phục dựng sản phẩm, chấn hưng làng nghề”. Nhiều người làng nghề thừa nhận: Việc này khó trăm bề bởi mọi đầu mối về nghề đều đã mờ nhạt chưa kể bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thì yếu tố thị hiếu vẫn là yếu tố quyết định “số phận” của nhiều làng nghề nếu sản phẩm làm ra không đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường. Nhiều làng nghề ngoài kia còn đang loay hoay, vật vã tìm cách giữ nghề, những nghề quá vãng dựa vào đâu để hồi sinh, phát triển?
Lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tạo nên bản sắc ở mỗi vùng quê, gắn kết tình làng nghĩa xóm, nghề truyền thống chính là di sản văn hóa được bồi đắp, trao truyền bằng mồ hôi, nước mắt, những sáng tạo bền bỉ của bao thế hệ. Những di sản ấy đã và đang phôi pha, tan biến khi lớp người biết nghề cứ ngày một thưa vắng dần. Nỗ lực nắm giữ những gì còn lại của di sản trước khi quá muộn hay cứ lặng lẽ buông xuôi cho thời gian xóa dần dấu tích một thời xưa cũ? Câu hỏi này không chỉ dành riêng cho người dân đất nghề truyền thống.
(Còn nữa)