Tái cơ cấu kinh tế để thích ứng với biến đổi khí hậu

Kinh tế - Ngày đăng : 06:39, 07/11/2016

(HNM) - Thích ứng điều kiện để ứng phó với BĐKH là một trong những giải pháp hữu hiệu, nhất là trong đời sống sản xuất của người nông dân nước ta.

Chọn tạo giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu từ nguồn gen siêu lúa xanh GSR do Trường Đại học Nông lâm Huế làm chủ nhiệm đề tài.


Con số thiệt hại do BĐKH được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV khiến nhiều người không khỏi giật mình. Theo đó, 9 tháng năm 2016, tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không đạt kế hoạch đề ra (chỉ 5,93%).

Cùng với những lý do do tác động bên ngoài từ nền kinh tế thế giới, hạn hán ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ảnh hưởng từ BĐKH cũng là nguyên nhân chủ đạo. Xâm nhập mặn đã diễn ra trên khắp vùng ĐBSCL, nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua, đã vào đến vùng lõi và gây thiệt hại lớn về đời sống sản xuất của nhân dân.

BĐKH đang đặt đồng bằng vào các nguy cơ về khan hiếm nước ngọt và những tình huống cực đoan xảy ra nhiều hơn, với cường độ mạnh hơn; lũ thấp hơn, nguồn lợi thủy sản giảm; trầm tích về ít hơn, cán cân trầm tích âm kéo theo biến đổi địa mạo lòng sông, cửa sông, bờ biển xói lở nhiều hơn bồi; phù sa về ít hơn, độ phì của đất giảm, mặt đất sụt lún tự nhiên.

Không phải ngẫu nhiên, tại buổi làm việc với Đoàn công tác Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) trung tuần tháng 10 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị với WB hỗ trợ các dự án quan trọng về ứng phó với BĐKH. Cụ thể, Đồng Tháp cần nguồn vốn cho xây dựng hồ chứa nước ngọt, nạo vét tuyến đường thủy nội địa, nâng cấp tuyến đê bao, bờ kè chống sạt lở dọc sông Tiền...

Trong bối cảnh mới, ĐBSCL cần tái cơ cấu vì mô hình tăng trưởng phát triển theo chiều rộng hơn chiều sâu, chú trọng lượng hơn chất. Yêu cầu đặt ra cho tái cơ cấu nông nghiệp của ĐBSCL thời gian tới sẽ nặng nề khi phải kết hợp nhiều yếu tố như sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên nước ngọt; "dưỡng đất", bồi dưỡng bù lại việc giảm phù sa; sớm tiến tới một nền nông nghiệp thông minh, ít phát thải khí nhà kính; chung sống với mặn, ngập, hạn, xem nước mặn là tài nguyên; phù hợp với môi trường và quy luật thủy văn của một châu thổ sông; phát triển liên kết tiểu vùng và trên quy mô toàn ĐBSCL…

Ngày 31-10-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Chính phủ ký Nghị quyết số 93/NQ-CP phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (Thỏa thuận Paris về BĐKH). Với việc phê duyệt Thỏa thuận này, Việt Nam thể hiện nỗ lực và trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với BĐKH, đồng thời tranh thủ nhận sự đóng góp, chung tay hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016-2020, vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thích ứng với BĐKH cũng đã được chú trọng. Mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới là tăng trưởng dựa trên năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh và bền vững.

Phương Nhi