Luật quản lý ngoại thương quá... ôm đồm
Kinh tế - Ngày đăng : 17:34, 07/11/2016
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) |
"Có những vấn đề quản lý mặc dù liên quan tới ngoại thương, nhưng mang tính đặc thù, đã được quy định ổn định trong các văn bản khác, nhưng lại được thiết kế vào luật này, vừa khiến hệ thống pháp luật cồng kềnh, vừa giăng thêm lưới quản lý. Ví dụ, quy định về hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, cửa khẩu, xuất khẩu-nhập khẩu… lâu nay vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh Pháp luật hải quan và cơ quan hải quan vẫn kiểm soát có hiệu quả. Giờ lại quy định vào Luật này, vừa cồng kềnh vừa làm phát sinh thêm giấy phép mới như giấy phép tạm nhập tái xuất, giấy phép quá cảnh do Bộ Công Thương cấp", ông Lộc ví dụ.
Về ý nghĩa, hiệu lực của Luật, mục tiêu lớn nhất của Luật này là thống nhất được các biện pháp quản lý ngoại thương mà lâu nay đang được quy định ở rất nhiều các văn bản, bởi nhiều cơ quan, khiến cho cơ chế quản lý ngoại thương thiếu thông nhất, không minh bạch, gây cản trở cho doanh nghiệp. Với thiết kế như dự thảo, theo ĐB dường như Luật đã chưa đạt được mục tiêu này.
Ngoài ra, ĐB cũng chỉ ra, dự thảo luật quản lý Ngoại Thương lần này là điển hình của Luật khung, luật ống, bởi có nhiều vấn đề có thể quy định chi tiết, nhưng Dự thảo lại đẩy việc cho Chính phủ. Không chỉ ôm đồm ở nhiều nội dung không cần thiết mà với những nội dung cần thiết, cốt lõi thì lại được quy định rất chung chung, chẳng có sự tiến bộ gì hơn so với hệ thống pháp luật hiện hành.
"Mục tiêu Ban soạn thảo đề ra đó là ban hành luật này để khắc phục những nội dung còn chung chung và không phù hợp trong Luật thương mại. Tuy nhiên, trong dự thảo luật vẫn còn những điều, nhiều quy định mang tính nguyên tắc, trong đó có ít nhất 24 nội dung trong dự luật cần được hướng dẫn cụ thể hóa bằng các văn bản dưới luật. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp thu và tiếp tục rà soát để cụ thể hóa tối đa các nội dung có thể, để các nội dung của luật khi ban hành sớm được đi vào cuộc sống, chúng ta cũng hạn chế tình trạng luật khung, luật ống như một số vị đại biểu cũng đã có ý kiến" - ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) nêu.
ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) |
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) bày tỏ băn khoăn với tên gọi là Luật quản lý ngoại thương bởi đã quá đề cao quản lý của nhà nước. Điều này đi ngược lại với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ khóa XIV là xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, chuyển từ quản lý là chủ đạo sang xây dựng một Chính phủ phục vụ người dân và doanh nghiệp là chủ yếu.
ĐB đưa ra kiến nghị cần xem xét sửa toàn diện Luật thương mại năm 2005 và bổ sung thêm một số nội dung quản lý nhà nước về ngoại thương cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Không xác định, không tách ra thành một luật riêng về quản lý nhà nước về ngoại thương như dự thảo luật.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) |
Có cùng quan điểm trên, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng cho rằng tên gọi của dự thảo luật còn đặt nặng tính quản lý nhà nước mà chưa chú ý đến phát triển ngoại thương như mục tiêu ban hành dự thảo luật đã được Chính phủ trình. Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh tên gọi của luật thành Luật ngoại thương là hợp lý và phù hợp đồng bộ với tên gọi của một số luật chuyên ngành khác.
Giải trình thêm ở gần cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Công Thương - Trần Tuấn Anh cho biết, tên gọi của dự án luật, rất nhiều đại biểu đã đồng tình với tên gọi của luật là Luật quản lý ngoại thương, nhưng nhiều đại biểu khác bày tỏ sự băn khoăn. Những ý kiến này đều rất xác đáng và có nhiều lẽ. Bộ trưởng xin tiếp thu và sẽ tiếp tục trao đổi, thảo luận kỹ trong ban soạn thảo cũng như tổ chức lấy thêm ý kiến các khung cột khác nhau để làm rõ các nội hàm này, cũng như đối chiếu với thực tiễn của quốc tế và hội nhập của Việt Nam, những yêu cầu của chúng ta phải làm rõ cũng như có báo cáo với QH trong kỳ họp sau.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh |
Về trách nhiệm của quản lý nhà nước và ngoại thương, ý kiến thẩm tra và đa số đại biểu đều nhất trí giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ngoại thương. Nguyên tắc quản lý ngoại thương đó cũng phù hợp với một môi trường ngày càng minh bạch, công khai của một nhà nước pháp quyền.
"Chính vì vậy, trong nội dung dự thảo luật lần này có thể có một số ý kiến, một số những điều khoản, nội dung mà đang gây ra một số sự e ngại trong tâm lý cũng như nhận thức của đại biểu QH cũng như của các cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về sự quá tập trung nhiều quyền hạn cũng như quyền lực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong đó Bộ Công thương. Chúng tôi xin khẳng định lại nguyên tắc của chúng ta phải rõ ràng, rành mạch trong việc trách nhiệm phải có một cơ quan đầu mối thực hiện để chịu trách nhiệm trong việc xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật" - Bộ trưởng khẳng định.