Không để Việt Nam thành "bãi rác công nghệ"
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 08/11/2016
(HNM) - Xác định tầm quan trọng của khoa học - công nghệ (KHCN) trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế công nghiệp, Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) được Quốc hội thông qua năm 2006, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong việc hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất điều chỉnh hoạt động CGCN. Thế nhưng, trước những thay đổi như vũ bão của thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Luật CGCN sau một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ nhiều bất cập; có nội dung thậm chí đã lạc hậu với thực tế phát triển cũng như xu hướng chung của khu vực cũng như thế giới.
Việc nhiều bộ, ngành cùng tham gia vào đánh giá công nghệ dẫn tới có khi rơi vào chồng chéo, nhưng có khi lại xuất hiện những lỗ hổng tạo đường cho nhiều công nghệ hết "đát" được tuồn vào Việt Nam. Chúng ta có thể thấy điều này ở một số dự án sản xuất bông sợi, phân đạm, cán thép, ethanol... trị giá hàng nghìn tỷ đồng đang "đắp chiếu" hoặc hoạt động thua lỗ. Điều này không chỉ gây lãng phí cho nền kinh tế mà còn để lại nhiều hệ lụy khác. Bên cạnh đó, hình thức CGCN thường chỉ tập trung ở các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi vai trò đầu tàu hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình CGCN chưa cao...
Mặt khác, về cơ bản doanh nghiệp vẫn có tâm lý e ngại sản phẩm công nghệ Việt. Trong khi đó, các kênh thông tin quảng bá công nghệ, thành tựu khoa học từ các đơn vị nghiên cứu đến doanh nghiệp và công chúng còn thiếu vắng; tác giả sản phẩm công nghệ thiếu kỹ năng tiếp thị sản phẩm của mình...
Một nguyên nhân khác, đó là thị trường công nghệ của chúng ta còn khá non kém, chưa có được nhiều sự chuẩn bị như các thị trường bất động sản, kinh tế... Chương trình phát triển thị trường KHCN đến năm 2020 đã đề cập đến nhiều giải pháp phát triển định chế trung gian, thực tế đây là khâu yếu nhất trong thị trường công nghệ. Các định chế trung gian giúp kết nối cung và cầu hiện đang rất thiếu...
Trong khi nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng KHCN hiện đại với đặc trưng là sự phát triển nhanh chóng công nghệ cao đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới thì có một thực tế rất đáng phải suy nghĩ là: Xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 2015 tăng 12 bậc, đứng thứ 56/140 quốc gia xếp hạng, nhưng mức độ sẵn sàng về công nghệ chỉ đứng thứ 92, mức độ hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp đứng thứ 121 và khả năng tiếp thụ công nghệ mới chỉ đứng thứ 112/140 quốc gia.
Trong bối cảnh đó, làm thế nào để tăng khả năng hấp thụ, tiếp thu công nghệ mới, khuyến khích doanh nghiệp nhập thiết bị công nghệ cao; giám sát sự minh bạch nhằm hạn chế CGCN lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn tình trạng chuyển giá qua hoạt động CGCN… là những câu hỏi được nhiều người trông đợi ở Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận. Cùng với đó là việc tạo cơ chế khuyến khích, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu, thu hút công nghệ tiên tiến; đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động CGCN...
Hoạt động CGCN chỉ đạt kết quả tốt khi nền tảng KHCN phát triển. Do đó, để khắc phục những tồn tại trên, nhất thiết phải có thay đổi quyết liệt trong lĩnh vực KHCN ở nước ta, từ cơ chế tài chính, nhân sự đến công tác đánh giá, thẩm định, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học. Mục tiêu cuối cùng và cũng nặng nề nhất chính là không để tình trạng Việt Nam trở thành "bãi rác công nghệ" của thế giới. Chỉ có vậy, KHCN mới thật sự phát huy vai trò "quốc sách", tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và bền vững kinh tế - xã hội.