Bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra theo thể thức và quy định thế nào?
Thế giới - Ngày đăng : 08:45, 08/11/2016
Dưới đây là thể thức và quy định bầu cử Tổng thống theo quy định của luật pháp Mỹ:
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày bầu cử
Luật pháp Mỹ quy định cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra 4 năm một lần, vào năm chẵn, trong ngày thứ Ba đầu tiên sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Như vậy ngày bầu cử sớm nhất trong năm sẽ là ngày 2/11, muộn nhất ngày 8/11. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 rơi vào ngày 8/11. Trong xã hội hiện đại đó chỉ là một ngày ngẫu nhiên nhưng lại từng có rất nhiều ý nghĩa với nước Mỹ vào những năm 1800.
Trong những năm đầu tiên mới thành lập nước Mỹ, ngày bầu cử Tổng thống được ấn định cho từng bang riêng biệt, vì vậy có nhiề u ngày bầu cử nhưng chủ yếu đều tập trung vào tháng 11. Lý do là vì các đại cử tri phải gặp mặt ở các bang vào ngày thứ tư đầu tiên của tháng 12, mà cuộc gặp đó phải diễn ra trước ngày bầu cử 34 ngày, do đó ngày bầu cử phải được tổ chức trong tháng 11.
Việc tổ chức bầu cử trong tháng 11 còn có ý nghĩa quan trọng đối với đất nước nông nghiệp thế kỷ XIX. Khi đó, việc thu hoạch mùa màng đã hoàn tất và mùa đông chưa đến nên cử tri sẽ tích cực đi bỏ phiếu hơn.
Đến những năm 1840, Quốc hội Mỹ đưa ra quyết định bỏ phiếu thống nhất trong một ngày trên toàn nước Mỹ.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày thứ ba là bởi trước kia cử tri Mỹ thường đi cả ngày đường để đến địa điểm bỏ phiếu. Mặt khác, để tránh cho ngày bầu cử rơi vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ tôn giáo. Quốc hội Mỹ chọn ngày thứ ba để cử tri dành ngày thứ hai để đi đến địa điểm bỏ phiếu và ngày thứ tư để trở về.
Và việc ấn định ngày bỏ phiếu vào ngày thứ ba đầu tiên sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11 không hề bị gián đoạn từ năm 1840 đến nay.
Cách thức bầu chọn
Tổng thống và Phó Tổng thống là những quan chức đứng đầu cơ quan hành pháp của Chính phủ Liên bang, với nhiệm kỳ 4 năm. Tổng thống và Phó Tổng thống được bầu theo thể thức sau:
- Tổng thống và Phó Tổng thống được bầu bởi các Đại cử tri (Elector) của các bang chứ không phải do dân bầu trực tiếp.
- Mỗi bang sẽ cử ra một số đại cử tri bằng đúng tổng số Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ của bang, tuy nhiên sẽ không có một Thượng nghị sỹ, Hạ nghị sỹ hoặc một quan chức nào đang đảm nhiệm chức vụ có lợi tức được bầu làm đại cử tri.
- Các đại cử tri sẽ họp lại trong từng bang và bầu Tổng thống và Phó Tổng thống bằng lá phiếu của mình. Tổng thống và Phó Tổng thống không được là cư dân của cùng một bang.
- Có hai lá phiếu khác nhau: phiếu bầu Tổng thống và phiếu bầu Phó Tổng thống.
- Kết quả cuộc bầu cử sẽ được chuyển lên chính phủ và trình lên Chủ tịch Thượng viện bằng hai bản - một bản là danh sách các ứng cử viên được bầu chọn vào chức vụ Tổng thống, với số phiếu bầu tương ứng; bản khác là danh sách ứng cử viên được bầu chọn chức Phó Tổng thống cùng số phiếu bầu tương ứng.
- Chủ tịch Thượng viện trước sự chứng kiến của Thượng viện và Hạ viện, sẽ mở tất cả các hồ sơ đã được chứng nhận và đem phiếu ra đếm. Người có số phiếu bầu cao nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống và vượt quá 50% số phiếu của đại cử tri sẽ đắc cử Tổng thống.
Trường hợp không có ai đắc cử
- Nếu không có ai đạt số phiếu đắc cử Tổng thống thì Hạ viện sẽ ngay lập tức bỏ phiếu bầu Tổng thống trong những người có số phiếu cao nhất, nhưng không quá ba người. Tuy nhiên, trong trường hợp bầu Tổng thống như thế này, việc bỏ phiếu sẽ được tính theo các bang, đại diện của mỗi bang có một phiếu bầu (số đại biểu quy định để tiến hành việc này gồm một hoặc các thành viên của hai phần ba các bang và phải có đa số các bang).
- Người có số phiếu bầu cao nhất cho chức vụ Phó Tổng thống sẽ đắc cử Phó Tổng thống nếu số phiếu này là đa số phiếu của tổng số đại cử tri được chỉ định.
- Nếu không có ai đạt được đa số phiếu thì Thượng viện sẽ chọn hai người có số phiếu cao nhất để bầu ra Phó Tổng thống. Số Thượng nghị sỹ cần thiết cho cuộc bầu này là không ít hơn 2/3 của tổng số Thượng nghị sỹ.
Điều kiện tranh cử Tổng thống và các giai đoạn tranh cử
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ phải thỏa mãn những tiêu chuẩn bắt buộc do Hiến pháp nước này qui định: phải là công dân Mỹ, được sinh ra trên đất nước Mỹ, tuổi từ 35 trở lên, và cư trú tại Mỹ ít nhất 14 năm (điều kiện “sinh ra tại Mỹ” hiện vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi, bởi nó loại mất khá nhiều người tài, song cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi).
Quá trình bầu cử gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn bầu chọn các ứng cử viên của các Đảng gọi là bầu cử sơ bộ (primary election) và giai đoạn chính thức bầu Tổng thống từ trong số các ứng cử viên gọi là Tổng tuyển cử (general election).
- Giai đoạn bầu cử sơ bộ: Đây là quá trình các ứng cử viên cạnh tranh trong nội bộ đảng mình, với mục đích trở thành người đại diện duy nhất của đảng trong cuộc bầu cử. Giai đoạn vận động tiến cử kéo dài từ tháng 1 đến tháng 6 của năm diễn ra cuộc bầu cử.
Ứng cử viên chiến thắng trong cuộc vận động sẽ tiến cử chọn ra một người để lập liên danh cùng tranh cử với mình.
- Giai đoạn Tổng tuyển cử: Sau khi các đảng đã chọn xong đại diện của đảng mình làm ứng cử viên Tổng thống cho cuộc bầu cử, ứng cử viên của các đảng sẽ tiếp tục vận động tranh cử vào chức Tổng thống.
Cử tri và đại cử tri
Điều đặc biệt trong luật bầu cử Tổng thống của Mỹ là các cử tri (voter) không trực tiếp bầu Tổng thống. Lá phiếu của họ gọi là lá phiếu phổ thông chỉ có nhiệm vụ chọn ra đại diện cử tri hay còn gọi là đại cử tri (Elector) cho bang của mình. Các đại cử tri tập hợp lại thành Cử tri đoàn (Electoral College) của bang. Tùy thuộc vào dân số mà mỗi bang của Mỹ có một số nhất định đại cử tri trong Cử tri đoàn này. Do đó ở hầu hết các bang, ứng viên nào được nhiều nhất phiếu phổ thông thì cũng nhận được toàn bộ phiếu của Cử tri đoàn bang đó.
Ở Mỹ, bang California là bang đông dân nhất nước Mỹ, nên bang này có nhiều đại cử tri nhất: 55 đại cử tri, trong khi đó, có một số bang ít dân, chỉ có 3 đại cử tri. Toàn nước Mỹ có 538 đại cử tri, để trở thành Tổng thống, một ứng viên cần thu được 270 phiếu đại cử tri.
Trên thực tế, chế độ bầu cử qua đại cử tri có thể gây ra rắc rối. Các đại cử tri không bắt buộc phải bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ cam kết ủng hộ. Như vậy khi kết quả bầu cử quá sít sao ở bang nào đó, ứng cử viên kém thế phiếu hoàn toàn có thể tìm cách thuyết phục vài đại cử tri thay đổi ý kiến để bầu cho mình mà giành phần thắng. Do thực tế đó, đã có rất nhiều ý kiến về việc có nên duy trì chế độ bầu cử qua đại cử tri hay không.
Những người tán thành chế độ đại cử tri cho rằng chế độ này đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng quan hệ giữa các bang và bảo vệ được lợi ích của các bang nhỏ. Còn những người phản đối thì khẳng định, đó là một phương cách bầu cử không coi trọng nguyện vọng của đa số, trái với quá trình vận động tranh cử, và tiềm tàng khả năng gây ra các cuộc khủng hoảng thể chế nghiêm trọng.
Minh họa điển hình là trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000, khi ông George Bush của Đảng Cộng hòa chỉ đạt 50.459.211 phiếu phổ thông so với 51.003.894 phiếu phổ thông của ông Al Gore thuộc đảng Dân chủ, nhưng ông Bush vẫn đắc cử vì nhận được 271 phiếu đại cử tri, trong khi ông Al Gore chỉ được 266 phiếu (thua đúng 5 phiếu). Bang quyết định việc thắng thua này là Florida, nơi mà toàn bộ 25 đại cử tri bỏ phiếu cho ông Bush, bất chấp việc chênh lệch phiếu phổ thông tại bang này của hai ứng cử viên là 537 phiếu.
Trước đó hơn một thế kỷ, tình thế tương tự cũng xảy ra trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Năm 1888, ứng cử viên Benjamin Harrison đã trở thành Tổng thống Mỹ khi giành đa số phiếu đại cử tri trong khi nhận được số phiếu phổ thông ít hơn đối thủ là ứng cử viên Grover Clevelan./.