Biển miền Trung đã an toàn cho tắm biển, nuôi trồng thủy sản
Đời sống - Ngày đăng : 21:50, 08/11/2016
Tại cuộc họp, các đại biểu đã bàn về tình hình, kết quả triển khai tạm ứng tiền bồi thường và tiếp tục triển khai việc bồi thường toàn bộ trong thời gian tới; xem xét các vấn đề bổ sung chính sách bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; góp ý Đề án “Xác định thiệt hại để bồi thường; hỗ trợ khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế”.
Những người phụ nữ phân loại cá tại Cảng cá Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Bắt đầu chi trả tiền bồi thường cho người dân
Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc kê khai, niêm yết, xác định thiệt hại; áp định mức, tính toán giá trị thiệt hại, niêm yết công khai, hướng dẫn giải đáp các thắc mắc của người dân.
Về việc bồi thường, hỗ trợ, ngày 29/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1880/QĐ-TTg về Định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Theo báo cáo và tổng hợp từ 4 tỉnh là 5.952,8 tỷ đồng, cụ thể: Hà Tĩnh 1.947,2 tỷ đồng, Quảng Bình 2.138 tỷ đồng, Quảng Trị 959,6 tỷ đồng, Thừa Thiên- Huế 908 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm cấp 3.000 tỷ đồng cho 4 tỉnh (Hà Tĩnh 1.000 tỷ đồng, Quảng Bình 1.100 tỷ đồng, Quảng Trị 500 tỷ đồng và Thừa Thiên Huế 400 tỷ đồng). Tính đến ngày 7/11/2016, hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Hà Tĩnh thực hiện chi trả đợt I cho người dân, trong đó, Thừa Thiên - Huế đã giải ngân 213,9 tỷ đồng và Hà Tĩnh 49,4 tỷ đồng. Dự kiến, tỉnh Quảng Trị sẽ tiến hành chi trả tiền bồi thường cho người dân từ ngày 10/11/2016 và tỉnh Quảng Bình từ ngày 11/11/2016.
Về xử lý hàng hải sản tồn kho, Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương giải quyết hàng thủy sản tồn kho trong các kho lạnh, kho cấp đông tại 4 tỉnh miền Trung. Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay tại 4 tỉnh còn 5.369 tấn hải sản tồn kho; trong đó qua xét nghiệm có 4.402,2 tấn (chiếm 82%) đảm bảo an toàn thực phẩm và 966,2 tấn (chiếm 18%) không đảm bảo an toàn thực phẩm…
Qua rà soát, kiến nghị của người dân và Ủy ban nhân dân 4 tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung định mức bồi thường thiệt hại và một số đối tượng bị thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Tại cuộc họp, các đại biểu phát biểu và cơ bản nhất trí với những nội dung Bộ Nông nghiệp và Phát triển đã báo cáo, đề xuất. Các đại biểu nhấn mạnh cần chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ bồi thường cho người dân bị thiệt hại, cần xem xét lại một số đối tượng đề nghị bồi thường thiệt hại.
Môi trường biển miền Trung an toàn
Sau khi nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các Bộ, ngành, địa phương báo cáo, ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Sau sự cố môi trường biển một số tỉnh miền Trung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt; các ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương, cùng cả hệ thống chính trị đã vào cuộc; đồng thời huy động các nhà khoa học làm rõ nguyên nhân sự cố môi trường biển ở một số tỉnh miền Trung cũng như hỗ trợ, giúp người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh trật tự; đến nay đã đạt được những kết quả rất quan trọng và đang bước vào giai đoạn bồi thường thiệt hại cho người dân theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Bên cạnh đó, Chính phủ đã xác định Đề án bồi thường thiệt hại, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Kết luận về nội dung của Đề án trên, Phó Thủ tướng nêu rõ: Đề án thực hiện trên cơ sở phải tiếp thu đầy đủ, kế thừa Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đã đóng góp tại cuộc họp. Trong đó, vấn đề quan trọng của Đề án này một mặt là cần bổ sung những trường hợp cụ thể nằm trong đối tượng nhưng chưa được xác định định mức ở Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. “Định mức ở đây phải được thực hiện trên cơ sở giống những đối tượng đã xác định trước đây. Đó là từ địa phương thống kê, đề xuất trình lên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng với các địa phương xác định định mức”, Phó Thủ tướng nói.
Về đối tượng bổ sung trong Đề án, Phó Thủ tướng quyết định lùi lại, để xem xét thêm trên thực tế có đối tượng nào trực tiếp bị thiệt hại từ sự cố môi trường biển. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu và hoàn chỉnh Đề án; trong đó có thể tách phần bồi thường riêng ra để giải quyết trong tháng 12/2016. Còn đối tượng thêm tính sau, có thể sau tháng 12/2016. “Chúng ta phải làm chính xác, thận trọng đối tượng được bồi thường, chứ không lại phát triển tràn lan thì không đạt được mục tiêu”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đối với phần xác định hỗ trợ sinh kế và việc thiết lập hệ thống quan trắc, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan cần tiếp tục hoàn chỉnh; sau đó trình Chính phủ phê duyệt. Hai đề án này cố gắng triển khai trong năm 2017 và cuối năm 2018 hoàn thành.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành và Kết luận tại cuộc họp về tình hình thống kê, chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung ngày 31/10/2016; đồng thời tích cực triển khai.
Đối với việc giải quyết các hải sản tồn kho chưa xử lý, hỗ trợ người dân 100% đối với hải sản tồn kho không đảm bảo an toàn thực phẩm phải tiêu hủy; hỗ trợ người dân 70% đối với hải sản tồn kho quá hạn chuyển sang làm thức ăn gia súc; hỗ trợ người dân 30% đối với hải sản tồn kho đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời cộng thêm với hỗ trợ 100% tiền điện và lãi xuất. Phó Thủ tướng giao ngành Công Thương chủ trì, phối hợp với ngành Y tế, ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý, theo dõi, giám sát để thực hiện tốt vấn đề này.
Đối với công tác truyền thông, Phó Thủ tướng cho rằng vấn đề này cần gắn với công tác dân vận để bà con đồng thuận. Công tác tuyền thông phải đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, rõ ràng, chính xác đối tượng được bồi thường, hỗ trợ. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Viện Hàm lâm khoa học Việt Nam cần cung cấp đầy đủ tài liệu để thông tin chính xác đến người dân và những thông tin đó phải bảo đảm khách quan, trung thực, khoa học; phải cập nhật diễn biến tình hình thật tốt về quan sát môi trường biển, đánh giá môi trường biển. Đặc biệt, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về môi trường biển tại 4 tỉnh đã an toàn cho tắm biển, du lịch, nuôi trồng thủy sản... Các cơ quan truyền thông cần nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh trật tự là trách nhiệm của mọi công dân, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; thấy được sự nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ trong việc giải quyết rõ ràng, minh bạch trong việc bồi thường, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển đang gặp khó khăn.