Bài 2: Gian nan đánh thức nghề xưa!

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:19, 08/11/2016

(HNM) - Đã từng là một phần không thể thiếu trong đời sống người dân, nghề truyền thống góp phần vinh danh đất nghề bằng những sản phẩm thủ công tinh xảo.

Nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa (trái) - người đánh thức dòng tranh Kim Hoàng.


Chân dung người “tiếp lửa”

Xốc vác, quyết đoán và ào ạt như gió, tác phong của nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội cho tôi nhiều bất ngờ bởi từng có hình dung khác hẳn về những người gắn bó với “nghiệp” bảo tàng. Chỉ khi trò chuyện cùng chị, lắng nghe những vui, buồn, trăn trở trên hành trình tìm lại một dòng tranh, tôi mới nhận ra nét tính cách ấy là mảnh ghép cần thiết cho một người muốn dấn thân vào phần việc đầy gian nan như điều chị đang dụng công theo đuổi: Phục dựng lại nghề làm tranh ở Kim Hoàng.

“Từ lâu, tôi đã luôn bị hấp dẫn bởi các dòng tranh dân gian ở cả 3 miền đất nước” nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa vào đề bằng lối dẫn chuyện chẳng cầu kỳ: “Qua thời gian, càng tìm hiểu sâu, tôi càng thấy yêu thích, say mê khi nhận ra phía sau mỗi sản phẩm thể hiện thẩm mỹ, tài hoa của người thợ là những câu chuyện, những số phận khác nhau của dòng tranh qua hàng trăm năm chìm nổi, lưu lạc. Tôi cũng hiểu rằng nếu chỉ ngồi than thở mà không hành động, những báu vật ấy sớm muộn sẽ tan biến, chẳng còn chút dấu tích nào. Nghề tranh ở Kim Hoàng là một ví dụ!”.

Không đành lòng để mất dấu những di sản quý giá trong nhân gian, chị Hòa lặn lội về Kim Hoàng, tìm tới nhà các bậc cao niên, những người con của dòng tộc Nguyễn Sỹ… những mong thấy được manh mối về nghề, nhưng mọi thứ đều mờ mịt. “Cứ như dòng tranh ấy chưa bao giờ tồn tại vậy? Chị bày tỏ: “Cả làng chẳng còn lấy một tờ tranh gốc. Người trẻ trong làng không biết quê mình từng có một nghề như thế trong khi lớp người cao tuổi cũng chỉ còn vài ký ức sơ sài về thời kỳ nghề tranh thịnh vượng…”.

Không nản chí, một mặt chị Hòa tiếp tục thực hiện những chuyến điền dã tại quê hương Kim Hoàng, mặt khác chị tích cực khảo cứu thông tin, tư liệu về nghề qua các kênh khác. Không phụ lòng người, cuối cùng cơ hội cũng mở ra cho nhà sưu tầm trong một lần tình cờ chị tìm được cuốn sách rất quý về các dòng tranh ở Việt Nam, trong đó có đầy đủ bộ tranh dân gian Kim Hoàng của một tác giả người Pháp.

Gần như cùng lúc, một người dân ở làng Kim Hoàng cũng tìm thấy 3 mộc bản cổ, khắc tranh Đức Lưu Quang và Phúc Mãn Đường, bị bỏ quên từ rất lâu. Được mục sở thị ván khắc cổ, biết được khổ tranh, nét chạm, chị Hòa nhanh chóng cậy nhờ những người có chuyên môn dựng lại bản khắc mới rồi tiếp tục tìm hiểu về chất liệu giấy, nguyên liệu in… những thành phần làm nên hồn cốt của một bức tranh Kim Hoàng.

Chị chia sẻ: “Phục dựng tranh không đơn thuần là tạo ra một sản phẩm giống với bản gốc mà còn phải bảo đảm cả những yếu tố đi kèm để phản ánh được đầy đủ, chân thực nhất sự tinh xảo, tính thẩm mỹ, kỹ thuật điêu luyện tích lũy trong tác phẩm, giúp người xem cảm nhận được chiều sâu văn hóa của đất nghề. Muốn làm được chính xác như vậy, những gian nan của hành trình này vẫn chưa kết thúc”.

“Ví dụ như giấy in thôi đã là cả một vấn đề khi người phường Bưởi (Tây Hồ) giờ chẳng còn ai làm loại giấy dó nữa” chị Hòa tiếp mạch chuyện: “Muốn có được chất liệu in tương tự tôi phải đặt người làng Đống Cao (Từ Sơn, Bắc Ninh) làm một mẻ riêng với những yêu cầu rất khắt khe.

Thứ đến là màu in. 100% màu in tranh Kim Hoàng đều là những sản vật tự nhiên như: Gỗ vang, hoa hòe, than hoa, quả dành dành… Từ những nguyên liệu thô, người thợ phải pha chế làm sao để cho ra được các sắc màu chủ đạo là: Trắng tinh, xanh lá cây nhạt, hồng tím… trên nền cam đỏ đặc trưng của tranh dân gian Kim Hoàng. Tất cả những điều này tôi đều phải học qua hướng dẫn của người già trong làng cũng như từ các chuyên gia về lĩnh vực này”.

“Để không mất nốt những gì còn lại”

Phục dựng tranh Kim Hoàng chỉ là ước muốn khởi đầu của nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa. Những ấp ủ chị đang hướng tới là gây dựng lại nghề xưa cho người Kim Hoàng, để dòng tranh xưa cũ ấy xuất hiện trở lại một cách bền vững chứ không chỉ qua những buổi triển lãm tranh. Để làm được điều này, chị Hòa đang vận động, hỗ trợ người dân địa phương tham gia các lớp học tìm hiểu về nghề sản xuất tranh dân gian, đồng thời xây dựng dự án lập một trung tâm làm tranh Kim Hoàng với mong muốn ở Kim Hoàng sẽ có một lớp nghệ nhân mới, được đào tạo bài bản để làm nghề và sống được bằng nghề…

Chị Hòa hào hứng: “Tôi và các cộng sự đang hoàn thành các phần việc để Tết Nguyên đán này sẽ là dịp đầu tiên giới thiệu tranh Kim Hoàng tới người dân Thủ đô với đầy đủ, vẹn nguyên hình hài sản phẩm đã từng có từ cả trăm năm trước. Làm được như thế cũng mới chỉ là thành quả ban đầu. Trước mắt khó khăn vẫn còn nhiều lắm nhưng tôi vẫn vững tin mình sẽ làm được”.

Tranh Kim Hoàng không phải là nghề cổ duy nhất có cơ hội hồi sinh sau cả trăm năm ngủ vùi giữa thời cuộc. Nhiều nghề truyền thống khác, dù ánh hào quang một thời đã lụi tàn, vẫn được nhiều lớp nghệ nhân tâm huyết tìm mọi cách gìn giữ lửa nghề như một cách tri ân cùng tổ nghiệp.

Đó là nghệ nhân Lê Đình Nghiên với hàng chục năm trời trăn trở cùng tranh Hàng Trống; nghệ nhân Lê Ngọc Nguyện (Đa Sỹ, Hà Đông) dù tuổi cao, sức yếu vẫn cặm cụi “nuôi” rồng cho ngày hội; nghệ nhân Vũ Thị Thanh Tâm (Hàng Lược, Hoàn Kiếm) say mê với nghề làm thiên nga bông; nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng (Khương Hạ, Thanh Xuân) đau đáu cùng nghề chế tác đồ chơi bằng sắt tây… hay nghệ nhân Nguyễn Thế Đoán (phường Bưởi, Tây Hồ) cho đến cuối đời vẫn say mê với nghề làm giấy dó lụa gia truyền của dòng họ.

Hầu hết các nghệ nhân thừa nhận: Việc họ quyết tâm theo nghề, túc tắc nhận hàng hoặc không có người đặt vẫn… làm là để cho vui, cho đỡ tiếc nhớ chứ thu nhập từ nghề đã không còn nuôi sống được nghệ nhân từ rất lâu rồi. Đây cũng là nguyên do, dù đỏ mắt kiếm, người nghệ nhân vẫn không tìm được người sẵn lòng nối tiếp mạch nghề có nguy cơ thất truyền. Chính vì thế, trong câu chuyện nghề của những người nghệ nhân tâm huyết này, bao giờ cũng phảng phất một nỗi lo rằng một ngày nghề truyền thống sẽ theo họ mà về với tổ tiên…

Như “gạch nối” neo nghề muôn năm cũ ở lại với đời, quyết tâm theo nghề đến cùng của các nghệ nhân không chỉ thể hiện lòng biết ơn, trân trọng của hậu duệ với tổ nghề mà còn hàm chứa hy vọng một ngày sản phẩm làng nghề sẽ được nhìn nhận đúng mức, có được vị trí xứng đáng trong đời sống hiện đại, được quan tâm, bảo tồn, phát triển để tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa lâu đời mà nó đang gìn giữ. Giấc mơ ấy vẫn được những nghệ nhân tâm huyết với nghề của cha ông theo đuổi bằng việc giữ cho “lửa nghề” luôn tỏ, bởi cho đến giờ, với nhiều người, đây vẫn là việc duy nhất họ có thể làm để nuôi giấc mơ ấy.
(Còn nữa)

Thanh Thủy