Lính truyền tải vượt qua lũ dữ

Kinh tế - Ngày đăng : 11:29, 08/11/2016

(HNMO) - Từ ngày 30-10 đến ngày 02-11, tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên, Bình Thuận và Gia Lai đã xảy ra mưa to và rất to phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 300mm và xảy ra lũ trên các lưu vực sông Vu Gia -Thu Bồn, sông Côn - Hà Thanh và sông Ba.




Mưa lũ cũng làm nhiều tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh bị ngập, chia cắt. Ngoài các tuyến đường tỉnh bị ngập từ ngày 30-10, đã xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới, trong đó có đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đoạn từ Km 909 đến Km 912 bị ngập nước trở lại, mực nước ở đây đã lên đến gần 1m và tiếp tục dâng cao.

QL12A đoạn từ thị xã Ba Đồn đi Đồng Lê cũng tắc đường do có đoạn nước ngập sâu hơn 60cm; đường Đồng Lê - thị trấn Quy Đạt- Ngã ba Pheo, nước ngập gây tắc đường đoạn qua thị trấn Quy Đạt. Rồi QL15 đoạn Tân ấp-Đồng Lê cũng đã bị chia cắt do nước dâng cao chảy xiết tại các ngầm tràn: Khe Bẹ, Khe Mưng, Khe Đèng…

Nước lũ dâng ngập và chia cắt nhiều địa bàn như: xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch), xã Quảng Hải (Thị xã Ba Đồn). Mưa nội đồng lớn cộng với việc các hồ thủy lợi xả nước cũng khiến các thôn Cao Xuân, Kim Nại (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh) bị ngập trong nước lũ. Đây là những địa bàn chịu thiệt hại nặng trong mưa lũ. Các xã ven sông Gianh của huyện Tuyên Hóa là Châu Hóa, Văn Hóa... cũng bị ngập lụt.

Do đường giao thông chia cắt, nhiều vùng bị cô lập nên việc vận hành lưới điện truyền tải rất khó khăn. Để an toàn cho nhân dân vùng ngập lụt, Công ty Điện lực phải tạm ngừng cung cấp điện, nhưng với đơn vị Truyền tải vận hành đường dây cấp điện áp 500kV và 220kV thì như một cuộc vượt “vũ môn”.

Bởi, Truyền tải Quảng Bình được giao nhiệm vụ quản lý và vận hành 250km đường dây 500kV, 123km ĐZ 220kV, 1 Trạm biến áp 220kV với dung lượng 250MVA. Đường dây 500kV có nhiệm vụ kết nối, điều hòa năng lượng điện cho toàn quốc thông qua 2 trạm 500kV tại 2 đầu là Hà Tĩnh và Đà Nẵng, tại thời điểm tải cao, 2 đường dây truyền tải công suất khoảng 2000MVA. Đường dây 220kV có nhiệm vụ kết nối, điều hòa năng lượng điện cho các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, trong đó, Trạm biến áp 220kV Đồng Hới là điểm trung chuyển điện năng ở cấp 220kV giữa Hà Tĩnh với Quảng Trị và Thừa Thiên Huế và là đầu mối nhận điện từ đường dây 220kV hạ về cấp 110kV để cung cấp điện chủ yếu cho toàn tỉnh Quảng Bình, trong một số trường hợp đặc biệt cấp đến tỉnh Quảng Trị.

Lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phân bố theo chiều dọc, chủ yếu đi qua vùng địa hình phức tạp và ít dân cư, điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra và bảo vệ đường dây, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Giám đốc Truyền tải điện Quảng Bình Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, sau cơn lũ ngày 13 đến 15-10, ở một số vị trí ở xã Quảng Phong (thị xã Ba Đồn); xã Vạn Trạch, Tây Trạch, Cự Nẫm (huyện Bố Trạch); phường Đồng Sơn, Nghĩa Ninh (TP Đồng Hới) vài ngày sau mới vào tuyến được. Đường vào tuyến các vị trí bị xói lở, với khối lượng khoảng 100m3 đất đá, 300m3 đất đắp móng, đất lấp tiếp địa.

Ngay sau khi nước rút, anh em đã nhanh chóng xử lý các vị trí bị sạt lở để bảo đảm cho công tác vận hành và chuẩn bị cho những đợt lũ lụt tiếp theo có thể đến. Đã hoàn thành trước đợt lũ tiếp theo với khổi lượng: Đắp lại gần 200m3 đất bị trôi; gia cố kè móng hơn 200 m3 đá, gần 100 m3 cát, gia cố thêm những vị trí có thể bị ngập sâu.

Đúng như dự báo, khi cơn lũ trước vừa qua, nước chưa rút hết thì cơn lũ sau lại xuất hiện. Đợt lũ từ ngày 30-10 đến 1-11 có mực nước thấp hơn so với đợt lũ trước, nhưng các vị trí cột các xã Quảng Phong (thị xã Ba Đồn); xã Vạn Trạch, Tây Trạch, Cự Nẫm (huyện Bố Trạch); phường Đồng Sơn, Nghĩa Ninh (TP Đồng Hới) vẫn không vào được, anh em đang tìm mọi cách để tiếp cận, nắm thông tin.

Qua 2 cơn “hồng thủy”, những người lính truyền tải kiên cường trong lũ lụt giữ an toàn hệ thống truyền tải điện để dòng điện vẫn truyền đi như dòng máu chảy trong huyết mạch của sự sống.

Trong mưa lũ, giữa chồng chất nguy nan, người lính truyền tải điện đã bộc lộ những phẩm chất đáng quý về tinh thần trách nhiệm trong công việc. Những người lính truyền tải đồng sức, đồng lòng vượt qua lũ dữ, nỗ lực khắc phục hậu quả để giữ vững dòng điện thông suốt Bắc-Nam. Tất cả những điều đẹp đẽ, ấm áp đó đã khiến cho chúng ta vững tin hơn trong khó khăn để cùng nhau bước tiếp, dù quãng đường phía trước vẫn còn lắm gian nan.

Thanh Mai