Chủ tịch Ủy ban nhân dân phải trực tiếp đối thoại với dân
Chính trị - Ngày đăng : 11:32, 08/11/2016
Thông báo nêu rõ, thời gian tới, tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở những địa phương có sai phạm, sơ hở, yếu kém trong quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, không làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày 7/10 vừa qua. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Nâng cao hiệu quả tiếp công dân
Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả bộ máy hành chính phải vào cuộc theo tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân; xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm, tình cảm cách mạng đối với nhân dân; mọi khiếu nại, tố cáo phải được giải quyết với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật và từ cấp cơ sở; coi kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là tiêu chí đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp chính quyền, của người có thẩm quyền và trách nhiệm.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình phải thường xuyên theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật, nhất là các quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật. Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tiếp công dân, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát việc thi hành Luật đất đai năm 2013 và các luật có liên quan, tổng hợp các vướng mắc, bất cập, kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước chấn chỉnh những tồn tại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, nhất là trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình, kiên quyết xử lý vi phạm và thông báo công khai trước nhân dân.
Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, nhà ở theo hướng công khai, minh bạch, đề cao vai trò giám sát của người dân, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển đô thị, nhà ở. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải công khai, minh bạch, đúng chính sách, pháp luật, bảo đảm cho người bị thu hồi đất có cuộc sống ổn định, bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất; làm tốt công tác dân vận, tạo sự đồng thuận để người dân đồng tình, ủng hộ.
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất, gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy, cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng chuyên nghiệp và có chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng hợp lý.
Giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài
Người có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại phải kiểm tra toàn diện, xem xét, cân nhắc đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế của vụ việc, chia sẻ, đặt mình vào vị trí của người dân để có biện pháp giải quyết có lý, có tình, khả thi. Khi xảy ra vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, Chủ tịch UBND phải trực tiếp gặp, đối thoại với dân, đề cao trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt, có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Đồng thời, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào địa bàn, lĩnh vực phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, những địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định, kết luận, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp công dân tập trung khiếu kiện ở các cơ quan Trung ương, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo và phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan chức năng của Trung ương tổ chức tiếp dân, vận động, thuyết phục, có biện pháp để công dân trở về giải quyết tại địa phương, không để công dân khiếu kiện dài ngày ở các cơ quan Trung ương, nhất là vào thời gian diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục tập trung rà soát, kiểm tra, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư của công dân gửi Thủ tướng Chính phủ thuộc trường hợp khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài; nghiên cứu, kiến nghị cơ chế, chính sách có tính đột phá để xem xét, giải quyết có hiệu quả đối với loại vụ việc này.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sớm đưa vào sử dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, chính xác; nghiên cứu để thực hiện việc tiếp nhận đơn thư trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan, UBND các cấp.
Các cấp ủy Đảng và chính quyền phải tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và nhân dân giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải coi trọng công tác dân vận, tuyên truyền, vận động với phương châm: “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, phát huy vai trò của luật sư, trợ giúp pháp lý để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và hiểu biết pháp luật của người dân...