Mặt trời không bao giờ tắt...
Giáo dục - Ngày đăng : 07:09, 09/11/2016
Tôi biết Lê Dương Thể Hạnh qua tiểu thuyết "Có một mặt trời không bao giờ tắt", được Nhà Xuất bản (NXB) Phụ nữ tái bản và giới thiệu đúng dịp Hội sách Mùa thu mang chủ đề "Mùa vàng tri thức" tổ chức vào cuối tháng 10-2016. 36 tuổi, sinh ra và lớn lên tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), tuổi thơ của Thể Hạnh là "những tháng ngày êm đềm bên trang sách và ngập tràn tình yêu thương" - như chị chia sẻ cùng bạn đọc tại sự kiện "Ngày ý chí" vừa được tổ chức tại Hà Nội. Rồi Thể Hạnh tốt nghiệp Ngành Nhật Bản học, khẳng định mình bằng vị trí thông dịch viên kiêm thư ký tổng giám đốc trong một công ty Nhật Bản khi mới ngoài 20 tuổi.
Một ngày cách đây 10 năm, sau một cơn đau đầu dữ dội, bác sĩ đã phát hiện ra khối u ở bán cầu não trái của Thể Hạnh. Trải qua 3 cuộc phẫu thuật, gần 30 lần xạ trị, vật lộn với thần chết, chị không còn nhìn được, tai trái không nghe được, không đi lại được, tay rất yếu và nói không rõ lời.
Nhưng, khi một cánh cửa đóng lại ắt có một cánh cửa khác mở ra! Nhờ phần mềm hỗ trợ tiếng nói dành cho người mù trên máy tính, lòng đam mê văn học và một chữ "nhẫn" sáng rực niềm tin, Thể Hạnh đã có được sức mạnh để đương đầu với bệnh tật, sống có ích cho đời, cho người. Nói về chị, Giám đốc NXB Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng xúc động cho biết: "Vượt lên nghịch cảnh, Thể Hạnh đã tham gia dạy tiếng Anh cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài thông qua skype. Lớp học rất đặc biệt, tất cả đều là người khiếm thị, trao nhau hơi ấm của tình người và sự đồng cảm giữa những mảnh đời bất hạnh".
Tháng 12-2015, NXB Phụ nữ cùng gia đình, bè bạn đã hỗ trợ Thể Hạnh cho ra đời tiểu thuyết đầu tay: "Có một mặt trời không bao giờ tắt". Và nay, tác phẩm được tái bản, tiếp tục gửi gắm thông điệp nhiều ý nghĩa: "Nếu chúng ta sống không có ý chí, không có tình thương thì xã hội sẽ đáng thương biết bao" - như chia sẻ của Giám đốc Khúc Thị Hoa Phượng.
Còn với Trần Hồng Giang, nghịch cảnh đến với tác giả của tiểu thuyết "Mẹ ơi con nhớ nhà" (NXB Phụ nữ) ngay khi anh vừa tròn 5 tuổi: Chấn thương nặng ở đốt sống cổ đã khiến Giang bị liệt. Nhưng, vượt lên vô vàn khó khăn, anh tập viết chữ bằng cách tỳ bút vào má, lúc lắc cái đầu theo nét chữ. Rồi Hồng Giang học tiếng Anh qua chương trình trên truyền hình của thầy Nguyễn Quốc Hùng, viết báo và sáng tác văn học. Qua gần 20 năm, anh đã có nhiều bài viết được đăng trên các tạp chí, có sách được xuất bản và được nhận một số giải thưởng về văn học, báo chí.
Hiện tại, Trần Hồng Giang là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Nam Định. Công việc thường ngày của anh là biên dịch cho một số tờ báo và tạp chí, tham gia quản trị và biên tập cho một số website văn học. Giao lưu với độc giả, anh tâm sự: "Đời người ngắn ngủi. Hãy trân trọng từng giờ, từng phút khi chúng ta còn sống, như thể ngày mai là ngày cuối. Và chỉ cần chúng ta sống hết lòng, mang tình thương đến cho mọi người, thì cái chúng ta nhận được sẽ là hạnh phúc".
Đồng cảm với Hồng Giang, tác giả Thể Hạnh bộc bạch: "Tôi luôn chuẩn bị tâm lý vững vàng đón nhận quy luật sinh, lão, bệnh, tử. Tình thương yêu từ gia đình, từ thầy cô, bạn bè, từ xã hội cho tôi động lực, sống có trách nhiệm. Cuộc sống này không bao giờ có ngõ cụt, luôn có những lối rẽ cho chúng ta lựa chọn"!
Hiện tại, ngoài bốn mươi tuổi, đam mê viết đã giúp Trần Hồng Giang có được một mức thu nhập nho nhỏ bảo đảm phần nào sinh hoạt cuộc sống hằng ngày và tự tin bước tiếp. Còn Lê Dương Thể Hạnh đang phối hợp cùng Mái ấm Thiên Ân thực hiện dự án "Từ điển nói Nhật - Việt dành cho người mù" và hoàn thiện phiên bản tiếng Anh của "Có một mặt trời không bao giờ tắt". Vượt lên nghịch cảnh, những tác giả như Lê Dương Thể Hạnh, Trần Hồng Giang sẽ mãi là nguồn cảm hứng về nghị lực và tình yêu cuộc sống.