Cần cơ chế phát huy tiềm lực

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:20, 11/11/2016

(HNM) - Với sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư, hệ thống giao thông nước ta đã có sự phát triển vượt bậc, ngày càng hoàn thiện, là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông vẫn rất lớn, nhằm đáp ứng đòi hỏi phát triển trong giai đoạn mới, góp phần tăng năng suất, nâng cao sức cạnh tranh.


Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa được Bộ GT-VT trình Chính phủ cũng nhằm mục đích đó.

Nghị quyết 09-NQ/TƯ, ngày 9-2-2001, đặt mục tiêu đến năm 2020 nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề kinh tế biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. Trên thực tế, Ngành Hàng hải, đóng tàu, khai thác hải sản nước ta đã có bước phát triển vượt bậc thời gian qua. Thế nhưng, tiềm lực kinh tế biển vẫn chưa được khai thác tối đa, hiệu quả, đặc biệt là du lịch, dịch vụ. Nguyên do là hạ tầng giao thông ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa tạo sự kết nối phát triển đồng bộ, toàn diện.

Dài 1.372km, với tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng, đây được đánh giá là một “đại dự án”, góp phần hiện thực hóa Chiến lược biển của Đảng, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển. Dự án đi qua khu vực chiếm tới 75% cảng biển lớn cũng như vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực đẩy mạnh phát triển rất lớn không chỉ cho các tỉnh ven biển.

Tính cấp thiết, hiệu quả khi thực hiện dự án là không phải bàn cãi. Vấn đề đặt ra là huy động vốn và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, nhất là khi nợ công của nước ta đang ở mức cao, là vấn đề được Quốc hội khóa XIV đặc biệt quan tâm, phân tích, đánh giá nhằm tìm ra giải pháp xử lý trong kỳ họp thứ hai. Đó là chưa kể, sang năm 2017, có thể Ngân hàng Thế giới sẽ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách được vay vốn ưu đãi hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và phải vay, trả lãi vay thương mại. Nguồn vốn huy động trong nước cũng không dễ dàng.

Theo các chuyên gia, nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các dự án giao thông của Việt Nam, nhưng để khơi thông được nguồn vốn này, cần có cơ chế thu hút phù hợp. Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) được đánh giá là tiến bộ, được thực hiện thành công ở không ít quốc gia. Thế nhưng, việc thực hiện đầu tư theo hình thức này ở nước ta vẫn chưa mấy suôn sẻ, số lượng dự án thực hiện theo hình thức này chưa nhiều. Nguyên nhân chính vẫn là cơ chế, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

229.829 tỷ đồng là nguồn kinh phí lớn, không dễ huy động và phải phân kỳ đầu tư phù hợp với đòi hỏi từ nhu cầu thực tiễn. Theo Bộ GT-VT, dự kiến, dự án sẽ được huy động đầu tư theo hình thức PPP, trong đó khoảng 60% vốn được huy động từ các nhà đầu tư. Trong bối cảnh “nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn”, chắc chắn, đó là hướng huy động vốn phù hợp. Vấn đề đặt ra là xây dựng cơ chế thế nào để huy động, phát huy nguồn lực theo hướng hai bên cùng có lợi, chứ không phải huy động vốn bằng mọi giá, có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường. Việc này, cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng có liên quan. Càng sớm triển khai dự án, càng đỡ tốn kém và đẩy nhanh việc phát huy tiềm lực kinh tế biển của đất nước.

Mai Lâm