Con đường không bằng phẳng

Thế giới - Ngày đăng : 06:55, 11/11/2016

(HNM) - Liên minh Châu Âu (EU) vừa dự báo tốc độ tăng trưởng trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) sẽ chậm lại vào năm tới do nhu cầu chi tiêu giảm, trong khi tỷ lệ lạm phát có chiều hướng tăng. Cùng với đó, Viện Kinh tế Molinari của Pháp cho biết, có tới 26/28 nước thành viên EU thâm hụt ngân sách



Cuộc khủng hoảng di cư là một yếu tố khiến kinh tế EU phục hồi chậm.


Theo báo cáo của Molinari, Pháp đã tiêu toàn bộ ngân sách của năm 2016 trước 53 ngày. Từ năm 1980, năm nào Pháp cũng tiêu hết ngân sách trước thời hạn, trung bình mỗi năm thêm 1,5 ngày. So với các nước trong EU, tình hình của Pháp ngày càng tồi tệ, luôn đứng ở phía cuối của bảng xếp hạng chi tiêu. Nợ công của nước này tính đến cuối tháng 3-2016 tương đương 97,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng vẫn được xem là “dưới ngưỡng theo quy định của EU”. Là nền kinh tế lớn thứ hai trong Eurozone sau Đức nhưng kinh tế Pháp được đánh giá là rất chậm được cải thiện sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Ủy ban Châu Âu (EC) đã phải nhiều lần gia hạn cho Pháp về việc tuân thủ quy định tài chính là duy trì nợ công ở mức 60% GDP và đưa mức thiếu hụt ngân sách về dưới 3%. Tuy nhiên, nước Pháp đang chứng kiến cảnh “ngược đời” khi có chính sách thuế khóa nghiêm ngặt như những nước Bắc Âu, nhưng lại có thâm hụt ngân sách nặng nề như những nước Nam Âu đang trong thời kỳ khủng hoảng. Do vậy, EC đã kêu gọi Pháp thực hiện các cải cách về tài chính công nhằm đạt được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách vào năm 2017. Theo khuyến nghị của EC, Pháp nên có những biện pháp cần thiết để đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, xác định những khoản chi tiêu sẽ cắt giảm và có sự đánh giá tính hiệu quả của từng đề xuất. Hồi tháng 3, các Bộ trưởng Tài chính EU đã dành cho Pháp thêm hai năm (đến năm 2017) để nước này đưa thâm hụt ngân sách về mức trần 3% GDP theo quy định của EU.

Những số liệu gần đây cho thấy tình trạng thâm hụt ngân sách tại nhiều quốc gia trong Lục địa già sẽ kéo dài, và đây là hậu quả rõ ràng nhất của trận khủng hoảng tài chính và kinh tế vừa qua. Cuộc khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp đã lan sang các nền kinh tế thuộc Eurozone như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Các chuyên gia cho rằng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích tăng trưởng đã không mang lại kết quả như mong muốn, khiến thâm hụt ngân sách tại một số quốc gia trong khu vực trở nên nặng nề. Bên cạnh đó, trong bối cảnh EU đang chật vật thi hành chính sách “thắt lưng buộc bụng”, chống chọi với sự đình trệ kinh tế và nợ công thì từ giữa năm 2015, cuộc di cư lớn nhất thế giới kể từ sau Thế chiến Thứ hai với hàng triệu người từ Trung Đông và Bắc Phi tràn vào Châu Âu lại gây thêm một cuộc khủng hoảng mới. Theo EC, mặt tích cực là dòng người nhập cư sẽ giúp kinh tế EU tăng trưởng thêm từ 0,2 đến 0,3% nhờ việc bổ sung nguồn nhân lực giữa lúc dân số Châu Âu đang già hóa. Ước tính, kinh tế EU sẽ tăng trưởng 2% vào năm 2016 và 2,1% năm 2017. Tuy nhiên, cuộc di cư ồ ạt cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nước trong khu vực khi kéo theo các khoản chi ngân sách lên đến hàng tỷ USD. Pháp tính toán sẽ phải tiêu một khoản bổ sung ngay 300 triệu euro cho người nhập cư. Trong khi đó, Đức đã dành 6 tỷ euro để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư trong năm 2015 và theo ước tính của Hãng Standard & Poors, ngân sách mà Đức phải bỏ ra cho những người tị nạn trong hai năm tiếp theo sẽ lần lượt lên tới 10 tỷ euro và 12 tỷ euro.

Mặc dù kinh tế Châu Âu xuất hiện một số dấu hiệu phục hồi nhưng nhìn chung cho tới nay, ảnh hưởng của “cơn bão” nợ vẫn chưa hết, cuộc khủng hoảng di cư vẫn chưa có cách thức giải quyết triệt để đã khiến nhiều quốc gia trong châu lục gặp khó khăn khi thúc đẩy cải cách cơ cấu, thắt chặt ngân sách và tiền tệ. Cùng với đó là tác động không mong muốn từ cuộc khủng hoảng địa chính trị gây ra do sự trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và EU. Đây là những nhân tố tiêu cực làm cho con đường phục hồi kinh tế của Lục địa già không bằng phẳng.

Thùy Dương