Sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý: Quan tâm đối tượng thụ hưởng
Đời sống - Ngày đăng : 06:32, 11/11/2016
Hội nghị trợ giúp pháp lý cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn huyện Thường Tín. |
Chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn
Một trong những vướng mắc phổ biến hiện nay là quy định người được TGPL chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tiễn và tinh thần Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và các điều ước quốc tế liên quan khác mà Việt Nam là thành viên. Mặt khác, khoảng cách trong việc tiếp cận pháp luật có sự chênh lệch. Không ít người dân không có kiến thức pháp lý hoặc khó khăn về tài chính không có điều kiện chi trả cho các dịch vụ pháp lý nhưng không được TGPL để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình ngay tại cơ sở. Trong khi đó, một bộ phận người già, phụ nữ, học sinh, người nghèo lại có tâm lý khiếu nại lên cấp càng cao thì càng tập trung đông người để gây áp lực cho chính quyền nhằm được giải quyết nhanh. Trong khi, việc xử lý phải theo thẩm quyền, nhất là trong lĩnh vực đất đai.
Nhằm giảm tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, các địa phương Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Trị, Nghệ An… đã tăng cường tổ chức các đợt TGPL phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, từng đối tượng với nội dung phong phú, ngắn gọn để người dân dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tiếp nhận. Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền thông qua hình thức TGPL lưu động, sân khấu hóa cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được các cấp, các ngành và địa phương đẩy mạnh.
Tại các buổi TGPL, ngoài việc tư vấn trực tiếp cho người dân, các đoàn TGPL còn giải thích miễn phí về quyền và nghĩa vụ của người dân, về thẩm quyền giải quyết vụ việc khi khiếu kiện, về thời hiệu giải quyết, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Đã có một số người dân tự nguyện không tiếp tục khiếu kiện vì đã hết thời hiệu hoặc không đúng thẩm quyền, không phù hợp pháp luật. Luật sư tham gia TGPL cũng phát hiện một số việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền chưa phù hợp với pháp luật, hướng dẫn người dân kiến nghị xem xét lại. Tuy nhiên, số việc được hỗ trợ đến cùng so với nhu cầu còn rất khiêm tốn. Do vậy, sửa đổi Luật TGPL hiện hành là yêu cầu bức thiết đặt ra và đang được Bộ Tư pháp thực hiện.
Điều chỉnh hình thức và đối tượng trợ giúp pháp lý
Xuất phát từ nguyên tắc TGPL được cung cấp cho những người thực sự có nhu cầu nhưng không có khả năng tài chính để thuê dịch vụ pháp lý, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng chỉ quy định ba hình thức TGPL là: Tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Theo lý giải của cơ quan này, nếu triển khai sẽ hạn chế làm hình thức, không trùng lặp với các hoạt động theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở... như hiện nay.
Ban soạn thảo kế thừa quy định người được TGPL từ Luật TGPL hiện hành bao gồm: Người thuộc hộ nghèo; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, dự thảo luật bổ sung các đối tượng được TGPL trong các luật ban hành sau Luật TGPL và Nghị định hướng dẫn Luật TGPL gồm: Nạn nhân trong vụ việc mua bán người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính; trẻ em bị buộc tội.
Ngoài ra, thêm một số đối tượng chưa được pháp luật hiện hành quy định bao gồm: Người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, người tham gia tố tụng hình sự là người chưa thành niên, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người tàn tật, tất cả trẻ em đang được TGPL theo quy định của Luật Trẻ em, Luật Người khuyết tật… lại chưa đưa vào trong dự thảo Luật TGPL (sửa đổi), khiến không ít chuyên gia pháp luật lo ngại nếu áp dụng sẽ tạo nên nguy cơ thiếu nhất quán trong chính sách xã hội của Nhà nước.
Nhìn từ yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng mới được ban hành có thể thấy, công tác TGPL cho những người yếu thế là đặc biệt quan trọng. Vì thế, Bộ Tư pháp cần đánh giá thực chất về nhu cầu, dự kiến nguồn lực, tính toán kỹ các phương án để đưa ra số liệu chính xác về số lượng người thuộc diện được TGPL, đề xuất bổ sung nguồn lực hoặc phương án sửa đổi các luật có liên quan để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Luật gia Lê Quang Vững cho rằng, hiện nay TGPL lưu động để trực tiếp tư vấn cho người dân tại cơ sở, thông qua đó không chỉ người trực tiếp được TGPL mà cả những người khác cùng tham dự cũng được nghe tư vấn pháp luật đã đem lại những hiệu quả thiết thực, nhất là trong bối cảnh Ngành Tư pháp cùng các đơn vị trên cả nước đang thực hiện tinh giản biên chế, công tác TGPL chưa tới hết đối tượng yếu thế. Gói gọn ba hình thức TGPL là: Tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng như Bộ Tư pháp đề xuất chưa thực sự phù hợp, thậm chí có phần hơi cứng nhắc. |