Xử lý vi phạm pháp luật về đê điều: Nhiều địa phương thiếu quyết liệt

Đời sống - Ngày đăng : 06:41, 11/11/2016

(HNM) - Để bảo đảm an toàn công trình phòng, chống lũ lụt, giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, thành phố liên tục chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác xử lý các vụ vi phạm pháp luật về đê điều, không để phát sinh vụ việc mới. Nhưng tại nhiều địa phương, công tác xử lý lại thiếu quyết liệt…

Trạm trộn bê tông của Công ty TNHH Việt Anh tồn tại như thách thức dư luận.


Giải quyết chậm hơn phát sinh

Theo Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội), từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 2.267 vụ vi phạm Luật Đê điều. Mặc dù các cấp, các ngành liên tục có văn bản chỉ đạo, đôn đốc nhưng đến nay, các địa phương mới giải tỏa, xử lý được 619 vụ, còn tồn đọng 1.648 vụ. Tính riêng năm 2016, trên địa bàn thành phố phát sinh 177 vụ, các địa phương mới giải tỏa, xử lý được 15 vụ, tồn đọng 162 vụ.

Vi phạm phổ biến là xây dựng nhà ở, xưởng sản xuất trong phạm vi bảo vệ đê điều; đổ đất, phế thải san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trái phép lấn chiếm bãi sông, lòng sông gây cản trở thoát lũ; khai thác cát lòng sông, lập bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu ngoài bãi sông... Địa phương còn tồn đọng nhiều vi phạm là Ứng Hòa, với 748 vụ, Phúc Thọ 91 vụ, Thường Tín 79 vụ, Quốc Oai 66 vụ, Phú Xuyên 59 vụ …
Đặc biệt, trong các vi phạm đê điều có nhiều vụ việc được UBND TP Hà Nội, Bộ NN&PTNT chỉ đạo xử lý nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa giải quyết triệt để. Đơn cử, tại xã Dương Hà (Gia Lâm), Công ty TNHH Việt Anh đổ 400m3 phế thải xuống lòng sông Đuống, xây dựng trạm trộn bê tông trái phép vào hành lang thoát lũ… nhưng hiện vẫn chưa bị chính quyền địa phương xử lý. Tại khu vực bãi sông Hồng thuộc địa bàn phường Nhật Tân (Tây Hồ), khối lượng lớn đất thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông chưa được bốc xúc triệt để. Tại phường Giang Biên và Bồ Đề (Long Biên), vẫn tồn tại tình trạng tập kết vật liệu xây dựng và công trình xây dựng vào hành lang thoát lũ…

Phải sớm có phương án xử lý

Giải thích về việc chậm xử lý vi phạm đê điều, lãnh đạo các địa phương đều có... lý do. Theo Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà: Bãi sông thuộc địa bàn phường Giang Biên giàu tiềm năng phát triển kinh tế nên quận đang xin ý kiến của các cấp, các ngành liên quan lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng khu vực này thành cảng hàng hóa, vật liệu đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường… Hiện nay, quận đã chỉ đạo các đơn vị liên quan quyết liệt xử lý vi phạm, trong đó có tính đến phương án khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai, khoáng sản, khớp nối quy hoạch hai bên bờ sông...

Chánh Văn phòng UBND quận Tây Hồ Võ Bích Thủy cho rằng, nguyên nhân chưa bốc xúc, thanh thải toàn bộ khối lượng phế thải, đất thải đã đổ xuống lạch sông Hồng là do khối lượng lớn, quận chưa tìm được bãi chứa xử lý. Hiện nay, quận đã yêu cầu phường Nhật Tân xử lý triệt để các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều; đồng thời xây dựng đề án quản lý đất đai khu vực bãi sông, đề ra biện pháp ngăn chặn hiệu quả không để tái diễn, phát sinh các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều tại khu vực này… Đối với huyện Gia Lâm, ông Tạ Quang Khánh, chuyên viên Phòng Kinh tế cho biết: Huyện đang rà soát, tổng hợp các vi phạm của 16 xã, thị trấn từ năm 2010 đến nay, sau đó phân loại, đề xuất phương án xử lý từng trường hợp cụ thể… Vì vậy, cần thời gian mới có thể giải quyết triệt để các vi phạm.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, việc gia tăng vi phạm và chậm xử lý các vi phạm đê điều, công trình thủy lợi không chỉ đe dọa an toàn công trình phòng, chống lũ lụt, mà lâu dài còn hình thành thái độ chủ quan trong ứng phó thiên tai cũng như "bệnh" coi thường pháp luật của một bộ phận người dân, sự thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ của một số cán bộ chính quyền cấp cơ sở. Nếu các địa phương và cơ quan chức năng không có hành động quyết liệt hơn, dư luận có cơ sở nghi ngờ về những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước ở lĩnh vực này, thậm chí là những tiêu cực trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đê điều.

Kim Văn