Hàng loạt vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón
Kinh tế - Ngày đăng : 07:11, 11/11/2016
Vi phạm tràn lan
Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có 300 cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, tập trung chủ yếu tại huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và quận 9, quận Bình Tân… Trong thời gian từ ngày 15-9 đến 15-10 vừa qua, QLTT thành phố thực hiện kiểm tra 81 vụ thì có đến 62 vụ có vi phạm, gồm: 11 vụ không có giấy phép sản xuất, 3 vụ hàng hóa giả mạo, 7 vụ hàng hóa nhập lậu; 41 vụ còn lại vi phạm về nhãn hàng hóa, công bố hợp quy, điều kiện sản xuất kinh doanh… Đáng chú ý, cơ quan QLTT đã chuyển cơ quan điều tra một vụ hàng hóa giả mạo nguồn gốc xuất xứ. Riêng địa bàn huyện Bình Chánh, cơ quan chức năng đã thực hiện kiểm tra tất cả 34/34 cơ sở sản xuất phân bón, phát hiện, tạm ngừng hoạt động 9 trường hợp sản xuất không có giấy phép. Đối với 12 cơ sở có giấy phép sản xuất thì chỉ có 4 cơ sở tuân thủ đầy đủ quy định về điều kiện sản xuất phân bón; còn lại đều có các vi phạm như: Chưa bố trí nơi lưu trữ chất thải nguy hại, chưa có hợp đồng thu gom chất thải nguy hại, quá trình sản xuất còn gây mùi và bụi, sản phẩm ghi nhãn không đúng nội dung bắt buộc, không đúng sự thật…
Theo Chi cục QLTT thành phố, các công ty qua kiểm tra không có giấy phép sản xuất phân bón trên thực tế đã nộp hồ sơ và hoàn thiện các thủ tục để được cấp phép. Tuy nhiên, do chưa bảo đảm các điều kiện như nhà xưởng, kho chứa, máy móc thiết bị, điều kiện vệ sinh môi trường… nên chưa được cấp phép. Về chất lượng sản phẩm, các công ty có giấy chứng nhận quản lý phù hợp với tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 nhưng khi kiểm tra vẫn còn vi phạm như: Làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiêu chuẩn công bố áp dụng (các công ty: Bốn Mùa, Osaka, Đại Nam, phân bón Nam Việt); không thực hiện công bố hợp quy trong sản xuất (Công ty Thuận Phát Long An); không có thông báo tiếp nhận công bố hợp quy theo quy định (Công ty Sumo)…
Nhiều vướng mắc trong quản lý
Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi Cục trưởng Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh, việc ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn thể hiện rõ quyết tâm của Chi cục QLTT thành phố về quản lý mặt hàng này. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, xử lý còn gặp nhiều bất cập, vướng mắc. Chẳng hạn, quy định việc lấy mẫu phân bón để kiểm nghiệm phải do người có chứng chỉ đào tạo về lấy mẫu phân bón thực hiện. Nếu lực lượng QLTT không có chứng chỉ này mà tiến hành lấy mẫu thì vi phạm vào Điều 24 Nghị định 163/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp, bị xử phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng và buộc hủy bỏ kết quả lấy mẫu phân bón. Bên cạnh đó, kết quả kiểm nghiệm mẫu phân bón thường cần khoảng 30 ngày, trong khi thời hạn tạm giữ tang vật tối đa là 60 ngày. Trong trường hợp cơ sở đề nghị tái kiểm tra lần hai thì thời gian chờ kiểm nghiệm có thể hết thời hạn tạm giữ, dẫn đến phát sinh pháp lý phức tạp. Đại diện Chi cục QLTT thành phố cũng cho biết, việc xử phạt với hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn làm giảm chất lượng sản phẩm… rất khó, vì các tiêu chí làm căn cứ xử phạt còn khá mơ hồ như: Không bảo đảm sử dụng cho người, vật nuôi, cây trồng; ảnh hưởng môi sinh, môi trường…
Từ những vướng mắc trên, Chi cục QLTT kiến nghị các bộ, ngành xem xét, sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc tế về phân bón. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở lớp đào tạo, cấp chứng chỉ lấy mẫu cho lực lượng QLTT và các lực lượng khác có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực phân bón. Để tránh chồng chéo trong việc thẩm định điều kiện sản xuất phân bón nhằm cấp phép cho doanh nghiệp, QLTT thành phố kiến nghị phân cấp cho địa phương cấp phép sản xuất phân bón, có cơ chế hỗ trợ giữa trung ương và địa phương về việc cấp phép sản xuất phân bón cho doanh nghiệp.
Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Nông dân và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và cung cấp thông tin, hỗ trợ cơ quan chức năng trong công tác ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về phân bón, chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.