Phép thử đầu tiên của tổng thống mới đắc cử Mỹ
Thế giới - Ngày đăng : 08:16, 12/11/2016
Tổng thống mới đắc cử Mỹ D.Trump sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20-1-2017. |
Nhiều dự đoán cũng cho rằng, chiến thắng "gây sốc” của ứng viên đảng Cộng hòa sẽ mở ra một giai đoạn mới với hàng loạt chính sách đối nội, đối ngoại “đảo ngược” so với những người tiền nhiệm.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông D.Trump không ít lần cảnh báo, Mỹ sẽ không trợ giúp những quốc gia Châu Âu không tôn trọng cam kết tài chính liên quan tới Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nói cách khác, Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên NATO vô điều kiện (ví như trong trường hợp một nước thuộc khối bị tấn công), mà sẽ xem xét đóng góp của quốc gia đó như thế nào cho NATO rồi mới "ra tay" can thiệp. Không những vậy, ông D.Trump cũng không giấu giếm thái độ “ngưỡng mộ” Tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều này khiến các nước Đông Âu lo ngại về việc Mỹ sẽ ký kết các thỏa thuận trực tiếp với Nga, đẩy Châu Âu ra khỏi các hồ sơ quan trọng.
Đối với các đồng minh Châu Á, ông D.Trump từng tuyên bố, sẽ xem xét lại các mối quan hệ truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc và yêu cầu các nước này san sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng. Nhà tài phiệt cũng cực lực chỉ trích thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thuộc Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) cũng như Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Đây là lý do ngay sau khi ứng viên đảng Cộng hòa đắc cử, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU phải tiến hành họp khẩn để đánh giá ảnh hưởng mà chính quyền mới ở Mỹ có thể tạo ra đối với mối quan hệ song phương. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhận định, chiến thắng của ông D.Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn với các đồng minh của Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nhiệm vụ trước mắt của Tổng thống mới đắc cử Mỹ là làm thế nào để hàn gắn đất nước sau khi cuộc bầu cử đã tạo ra một hố ngăn cách lớn giữa các cử tri ủng hộ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Nhiều cuộc biểu tình đang nổ ra trên khắp nước Mỹ để phản đối ông chủ tương lai của Nhà Trắng. Vì vậy, nếu ông D.Trump tiếp tục tạo ra những rạn nứt với các quốc gia đồng minh, nước Mỹ sẽ đứng trước rất nhiều khó khăn và mâu thuẫn. Mặt khác, các chính sách mới cần phải có sự đồng tình của hai viện trong Quốc hội, nên khả năng tân Tổng thống Mỹ có thể đưa ra những quyết định gây “sốc” là điều không dễ.
Điều này có thể thấy được qua một số động thái “trấn an” mà ông D.Trump đã thực hiện trong 2 ngày gần đây. Trong cuộc điện đàm ngày 10-11 với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống mới đắc cử D.Trump đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc Mỹ hiện diện mạnh mẽ tại Châu Á - Thái Bình Dương nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh giữa hai nước. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã nhấn mạnh quan hệ Mỹ - Nhật Bản là nền tảng cho sự hiện diện của Mỹ tại Châu Á, một trong những lợi ích đối ngoại cốt lõi đối với Washington. Và đích thân ông D.Trump cũng đã tái khẳng định cam kết sẽ duy trì vị thế phòng thủ “vững chắc, mạnh mẽ” để bảo vệ đồng minh Hàn Quốc.
Theo kế hoạch, Tổng thống mới đắc cử D.Trump sẽ chính thức nắm quyền điều hành Nhà Trắng bắt đầu từ ngày 20-1-2017. Vẫn còn quá sớm để đánh giá những gì nhà lãnh đạo này sẽ làm cho xứ Cờ hoa. Nhưng cách thức ứng xử trong các mối quan hệ với đồng minh được coi như một "phép thử" đầu tiên trong chính sách đối ngoại của ông D.Trump với vai trò đứng đầu đất nước. Nhiều nhận định cho rằng, chính sách xa lánh đồng minh, tự cô lập bản thân sẽ chỉ khiến vị thế nước Mỹ bị suy giảm trên bàn cờ các nước lớn trong thế kỷ XXI và có lẽ sẽ không thể là sự lựa chọn của bất kỳ một Tổng thống Mỹ nào.