Bài đầu: Quan tâm chưa đủ, thiếu thốn còn nhiều

Đời sống - Ngày đăng : 07:37, 12/11/2016

(HNM) - LTS: Xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ) là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị, tổ chức công đoàn, các chủ doanh nghiệp và CNLĐ. Đây là nội dung cốt lõi trong Chỉ thị số 52-CT/TƯ ngày 9-1-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và đang được tích cực triển khai.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho đội ngũ công nhân.


Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất trên thực tế đời sống, đòi hỏi nhiều cách nghĩ, cách làm mới, trong đó nhìn nhận đúng thực trạng hiện nay là rất quan trọng.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Thế nhưng, do không ít yếu tố tác động, đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động (CNLĐ) vẫn còn nhiều thiếu thốn.

Lựa chọn ưu tiên: "Ngủ cho lại sức"

Theo Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12-10-2011), đến năm 2020, 100% công nhân và người sử dụng lao động ở các KCN được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa; hơn 70% công nhân ở KCN được tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao. Tuy nhiên đến nay, tình hình chưa được cải thiện nhiều. Đơn cử, tại Hà Nội hiện có hơn 140.000 lao động ở các KCN-CX, trong đó 70% là lao động ngoại tỉnh, dù các cấp, các ngành đã dành nhiều sự quan tâm, song đời sống văn hóa tinh thần của công nhân vẫn nghèo nàn, số điểm vui chơi giải trí còn ít.

Phần lớn CNLĐ trong độ tuổi thanh niên, nhu cầu về văn hóa tinh thần, giải trí là không thể thiếu. Nhưng với 8 đến 12 giờ làm việc mỗi ngày, họ không còn thời gian tham gia các hoạt động giải trí. Nguyễn Thị Hoa Mai, công nhân KCN Bắc Thăng Long chia sẻ: Ngày nào cũng 10 tiếng làm việc trong xưởng, rời nhà máy đã mệt lả, chỉ mong nhanh chóng về nhà trọ nấu cơm, ăn vội vàng rồi đi ngủ cho lại sức. "Quanh năm suốt tháng, bọn em ăn, ngủ và làm việc. Nhiều lúc muốn đi chơi, nhưng chẳng biết rủ ai và cũng chẳng biết đi chơi ở đâu. Phòng trọ không có ti vi, sách báo, đành tán chuyện gẫu với các bạn cùng khu trọ một lúc rồi về ngủ” - Nguyễn Thị Hoa Mai nói.

Tại Hà Nội, các cấp Công đoàn đang quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống CNLĐ tại 28 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, 35 cụm văn hóa thể thao và tại 92 tổ tự quản khu nhà trọ công nhân. Hằng năm, Liên đoàn Lao động thành phổ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho CNLĐ, năm 2016 đã tổ chức giải bóng đá mini cúp Báo Lao động Thủ đô; tổ chức 17 đêm “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”. Thành phố cấp Báo Lao động Thủ đô miễn phí đến CNLĐ.


Khác với các nữ công nhân thường sống khép kín, các nam công nhân có vẻ sôi động hơn, nhưng không có nhiều sự khác biệt. Trần Văn Tuấn, công nhân KCN Quang Minh cho biết, chỉ sau khi lĩnh lương, mấy anh em rủ nhau đi uống bia cỏ, nhưng cũng chỉ một lúc để còn về ngủ. Nhiều lúc thèm đi đá bóng hay đi xem phim cũng không được, vì điều kiện không cho phép. “Từ hồi vào công ty, em chưa được xem phim, chỉ nghe mấy anh dẫn người yêu đi xem kể lại là vé đắt và phải đi hơn 20km mới tới chỗ chiếu phim. Đợt diễn ra World Cup, muốn xem bóng đá, mấy anh em phải ra quán cà phê, nhưng cũng chỉ xem được vài trận vì tốn kém” - Trần Văn Tuấn nói.

Cường độ làm việc căng thẳng, nhiều khi phải tăng ca cả ngày. Với những người chưa lập gia đình, việc thiếu thời gian khiến họ không có cơ hội giao lưu, tìm kiếm người yêu, bạn đời. Đặc biệt ở các ngành may mặc, chế biến thủy sản, tình trạng chênh lệch tỷ lệ nam - nữ đã khiến cơ hội tìm bạn đời của công nhân ít hơn. Với các cặp vợ chồng, việc thiếu thời gian dành cho gia đình cũng khiến tổ ấm có nguy cơ thiếu bền vững. Nhiều cặp vợ chồng trẻ phải gửi con nhỏ về quê cho ông bà nuôi để toàn tâm với công việc.

"Quên" nhu cầu hưởng thụ văn hóa

Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long được phát báo miễn phí. Ảnh: Thái Hiền


Nhận thức rõ, lao động là vốn quý, nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Điện tử Meiko (KCN Thạch Thất - Quốc Oai), Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam, Công ty TNHH Toto Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long)… đã chủ động hỗ trợ kinh phí cho công đoàn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nhưng phần lớn quy mô nhỏ, số công nhân được tham gia không nhiều. Số doanh nghiệp có địa điểm sinh hoạt văn hóa đạt tỷ lệ thấp nên việc triển khai hoạt động còn nhiều hạn chế.

Những giải thi đấu phong trào như bóng đá, bóng bàn, kéo co, chạy việt dã, cờ tướng... thỉnh thoảng được tổ chức, nhưng chủ yếu dành cho cán bộ quản lý và một số công nhân nam. Các hoạt động tập thể như: Hội thi nấu ăn, Tiếng hát CNLĐ… chỉ được tổ chức 1 lần/năm hoặc vài năm/lần và cũng chỉ một số người tiêu biểu mới có cơ hội tham gia. Lê Thanh Hương, công nhân Công ty TNHH Thời trang Star (KCN Phú Nghĩa, Chương Mỹ) cho biết: “Thỉnh thoảng, công ty tổ chức hội thi, hội thao, nhưng chỉ chọn đại diện tham gia. Bọn em phải làm việc, chỉ được theo dõi một lúc, nên cuối cùng có tổ chức cũng như không”.

70% công nhân là người ngoại tỉnh, sống tại các khu nhà trọ bình dân, không có điều kiện sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu giải trí, thể dục thể thao. Mặt khác, việc thường xuyên làm thêm giờ khiến ít người có thời gian quan tâm đến hoạt động văn hóa, giải trí. Chính sự thiếu thốn tinh thần này khiến không ít công nhân "quên" nhu cầu hưởng thụ văn hóa của mình, không quan tâm đến các vấn đề chính trị, đời sống xã hội.

Trong Chỉ thị số 52-CT/TƯ ngày 9-1-2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ KCN-KCX nhận định: Công nhân chưa được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần tương xứng với thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Hệ thống thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở… phục vụ CNLĐ KCN chưa được đầu tư thỏa đáng. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ; môi trường văn hóa ở nơi làm việc và nơi sinh sống của công nhân chưa được quan tâm xây dựng và phát triển; một số công nhân có lối sống thiếu lành mạnh, vướng vào tệ nạn xã hội...

Thực trạng đó, đòi hỏi các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị, tổ chức công đoàn và chủ doanh nghiệp nhận thức và thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ.

(Còn nữa)

Linh Chi