Hiệu quả thiết thực từ các mô hình thi đua
Đời sống - Ngày đăng : 08:03, 12/11/2016
Cảnh quan tuyến sông Tô Lịch (sông Om) trên địa bàn huyện Thanh Trì đã sạch, đẹp hơn. |
Đi dọc tuyến sông Tô Lịch trên địa bàn huyện Thanh Trì (sông Om) giờ đây ai cũng cảm nhận rõ nét những chuyển biến tích cực về cảnh quan, môi trường nơi đây. Dọc theo chiều dài con sông là các thảm cỏ, vườn hoa tươi thắm đang thực sự trở thành “lá phổi” xanh. Đó là điều khác biệt đáng kể so với trước, bởi tuyến sông dài hơn 7km này vốn bị ô nhiễm nặng nề do nhiều năm không được cải tạo, bờ sông sạt lở, lòng sông bị bồi lắng bùn đất, rác thải. Một số đoạn hai bên bờ sông bị dân cư trồng cây cối, dựng lều lán gây mất cảnh quan môi trường.
Từ thực tế này, cùng với việc thực hiện sự chỉ đạo của TP Hà Nội về tăng cường năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, duy trì và nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị 2016”, huyện Thanh Trì đã triển khai mô hình thi đua “Làm sạch sông Tô Lịch”. Đây là mô hình điểm để huyện tiếp tục nhân rộng, triển khai trên địa bàn.
Còn tại huyện Sóc Sơn, việc thi đua lại tập trung vào phát huy ưu thế sản xuất nông nghiệp để triển khai mô hình “Rau hữu cơ Sóc Sơn tiêu chuẩn PGS”. Mô hình rau hữu cơ Sóc Sơn được xây dựng từ năm 2008 tại xã Thanh Xuân lúc đầu chỉ với 1 nhóm sản xuất gồm 11 thành viên, diện tích nhỏ 0,7ha. Đến nay đã có 25 nhóm với 180 thành viên tham gia với tổng diện tích gieo trồng là 37,5ha (trong đó 25,5ha đã được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, 12ha đang chuyển đổi). Mô hình rau hữu cơ đang được mở rộng ở Sóc Sơn, có nhiều nhóm sản xuất được thành lập với quy mô diện tích lớn 2 - 7ha. Riêng năm 2016 thành lập thêm 5 nhóm, tăng 25 thành viên và gần 12,4ha so với năm 2015.
Với quy trình sản xuất, canh tác không sử dụng giống biến đổi gen; không sử dụng chất kích thích sinh trưởng; không sử dụng phân bón hóa học; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, sản phẩm rau hữu cơ Sóc Sơn đã được Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam công nhận và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn PGS. Liên tục trong 3 năm sản phẩm được tôn vinh là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (năm 2013, 2014, 2015) công nhận. Bình quân mỗi năm huyện Sóc Sơn đưa ra thị trường trên 500 tấn rau củ quả các loại, cung cấp nhiều cho các siêu thị lớn, các trường học ở Hà Nội. Ngoài ra, sản phẩm rau hữu cơ Sóc Sơn đã được xuất khẩu sang các nước như Pháp, Đức… Mô hình rau hữu cơ đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại nông thôn. Bình quân mỗi thành viên trong nhóm sản xuất rau hữu cơ có mức thu nhập 4,5 - 6 triệu đồng/tháng.
Với quan điểm các mô hình thi đua phải giải quyết được việc trọng tâm, khâu yếu, việc khó, cùng với các mô hình của Thanh Trì, Sóc Sơn, nhiều địa phương, đơn vị khác cũng đã lựa chọn xây dựng được những mô hình thiết thực, hiệu quả. Có thể kể đến việc: “Xây dựng thí điểm mô hình cung cấp rau, thịt, trứng an toàn để cung cấp cho bếp ăn bán trú của các trường học mầm non, tiểu học công lập và nhân dân 2 phường Kim Liên, Thịnh Quang” của quận Đống Đa; “Chỉnh trang đô thị với các tuyến phố xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm” của quận Hoàn Kiếm; “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm” của quận Nam Từ Liêm; hay Sở GT-VT phát động phong trào “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương người thực thi công vụ”... Đáng chú ý, nét mới trong năm 2016 là các cụm thi đua của TP Hà Nội đã tăng cường đi thực tế để kiểm tra, đánh giá hiệu quả mô hình. Qua đó, các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau nhằm áp dụng vào thực tiễn tại địa phương mình.
Phó Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Đinh Việt Thắng cho biết: “Nhìn chung, năm 2016, mô hình thi đua của các đơn vị đã tập trung vào các việc trọng tâm, những khâu yếu, việc khó. Người đứng đầu các đơn vị đã căn cứ vào các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của thành phố, kết hợp với đặc điểm, nguồn lực của địa phương, đơn vị mình để xây dựng mô hình, đề ra các giải pháp thực hiện. Qua thực tế cho thấy có nhiều mô hình thí điểm rất hay mà các đơn vị có thể nghiên cứu, nâng thành phong trào trên toàn địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, đồng thời, là kinh nghiệm để các đơn vị có thể tham khảo, học tập”.
Các mô hình thi đua thiết thực hiệu quả đã và đang đem lại chuyển biến tích cực trên các mặt công tác của địa phương, đơn vị. Mong rằng, những mô hình đã có sẽ được nhân rộng nhằm đem lại hiệu quả lớn hơn đối với người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.