Tự chủ không phải là để tăng học phí
Xã hội - Ngày đăng : 05:18, 13/11/2016
Cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội cho thấy, từ quan điểm đúng đắn và đầy đủ về tự chủ đại học, tập thể này sẽ làm gì để tự chủ toàn diện và tự chịu trách nhiệm nhằm xây dựng trường trọng điểm khoa học - công nghệ của quốc gia sánh tầm khu vực và thế giới.
Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Hoàng Minh Sơn. |
Tự chủ tài chính chỉ là một phần của tự chủ đại học
- Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Điều đó khẳng định sự phát triển đi lên và Trường ĐH Bách Khoa vẫn luôn đi đầu trong đổi mới, thưa ông?
- 60 năm qua, với vai trò là trường ĐH đầu đàn, trường trọng điểm quốc gia - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội luôn đi đầu trong đổi mới. Việc triển khai cơ chế tự chủ toàn diện được nhà trường coi là sự thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển của hệ thống giáo dục Việt Nam. Trường cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể tự chủ toàn diện trong nhiều năm qua. Đặc biệt, những kinh nghiệm và kết quả triển khai thí điểm một số nội dung tự chủ từ năm 2011 đến nay là cơ sở để nhà trường tự tin bước vào một giai đoạn mới, với nhiều cơ hội và sự thuận lợi song cũng không ít thách thức để phát triển thành một ĐH nghiên cứu với mô hình quản trị tiên tiến, đội ngũ cán bộ giỏi và tâm huyết, hệ thống tài chính vững mạnh, chất lượng đào tạo và nghiên cứu đạt chuẩn mực khu vực và thế giới.
- Tự chủ ĐH hiểu một cách đầy đủ bao gồm các nội dung tự chủ về học thuật, tổ chức - nhân sự và tài chính, tuy nhiên dường như khi nói đến tự chủ người ta quan tâm tới vấn đề tài chính hơn cả. Tại sao vậy thưa ông?
- Đúng là hiện nay có nhiều quan niệm về tự chủ ĐH còn phiến diện, thiên lệch, chưa đầy đủ. Trường ĐH muốn tồn tại và phát triển thì phải được tự do về học thuật, có khả năng tự trị và thích ứng với sự phát triển của xã hội. Muốn thế thì trường ĐH phải được tự chủ một cách toàn diện, trong đó tuy tự chủ về tài chính là nội dung quan trọng, song cũng chỉ là một phần của tự chủ.
Vậy thì tại sao người ta lại quan tâm nhiều đến vấn đề tự chủ tài chính? Đó là vì cả 3 yếu tố quan trọng bảo đảm chất lượng là cơ sở vật chất, chương trình đào tạo và đội ngũ cán bộ - đều phụ thuộc một cách quyết định vào nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, hiện nay cả ba nguồn lực tài chính cho các trường ĐH công lập là đầu tư của Nhà nước, đóng góp của người học và của xã hội đều quá hạn hẹp, không đủ để giữ vững chất lượng đào tạo, chưa nói tới việc nâng cao chất lượng, tiếp cận với những chuẩn mực của khu vực và trên thế giới. Việc mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đặc biệt là quyền tự chủ tài chính, sẽ là giải pháp then chốt giúp các trường có cơ chế huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ người học và xã hội cho phát triển bền vững.
Tuy nhiên, cách hiểu về tự chủ tài chính hiện nay cũng chưa đúng. Một cơ sở tự chủ tài chính không có nghĩa là không được nhận đầu tư từ ngân sách mà Nhà nước chỉ thay đổi cách thức hỗ trợ, từ bao cấp, cào bằng sang cơ chế thị trường, đặt hàng và giao nhiệm vụ theo nhu cầu của Nhà nước và năng lực của các cơ sở đào tạo. Hiểu một cách nôm na, ai hưởng lợi thì người đó phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí. Đất nước được các trường ĐH cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thì cũng phải có trách nhiệm đóng góp kinh phí thông qua việc giao nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu. Xã hội có lợi ích từ việc sử dụng sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học phải đóng góp thông qua việc tham gia vào quá trình đào tạo, đặt hàng đào tạo và nghiên cứu. Người học có lợi ích là nhờ đào tạo mà gia tăng giá trị của bản thân để thêm cơ hội việc làm, tăng thu nhập và phát triển bản thân thì cũng phải có trách nhiệm đóng góp thông qua học phí.
- 5 năm thí điểm tự chủ một phần, trong đó nội dung tự chủ về tài chính chưa được giao toàn bộ, ông có thấy điều đó kìm hãm sự phát triển của một cơ sở đào tạo hay không?
- Trong 5 năm thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm một số nội dung về hoạt động đào tạo, tổ chức bộ máy, biên chế và một phần về tài chính, trường đã triển khai hàng loạt hoạt động đổi mới. Đến thời điểm này, những nội dung tự chủ về học thuật, gồm cả đào tạo và nghiên cứu khoa học chúng tôi đã tự chủ được cơ bản. Nhà trường đã xây dựng cơ chế cũng như phân cấp quản lý để các đơn vị tự chủ. Nhờ thí điểm tự chủ, trường cũng đã có một đội ngũ hùng hậu với 20% số giảng viên là GS, PGS; 60% có trình độ tiến sĩ; 96% có trình độ trên ĐH. Đặc biệt, cơ sở vật chất của trường có sự cải thiện đáng kể. Chỉ riêng từ đầu năm 2016 đến nay, nhà trường đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng cho việc tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của đội ngũ cán bộ, môi trường học tập của sinh viên.
Mặc dù vậy, chưa được tự chủ hoàn toàn về tài chính khiến nhà trường không gia tăng được các nguồn lực nên việc triển khai các hoạt động theo chiến lược đã đề ra cũng bị hạn chế, không thực hiện được những dự án lớn nhằm đáp ứng sự phát triển của một trường công nghệ trọng điểm. Phần chi cho con người tuy chiếm đến 60-65% chi thường xuyên nhưng thu nhập của cán bộ, viên chức cũng chỉ tăng được khoảng 15%, chưa đủ thu hút người giỏi. Nhà trường không được chủ động trong chi tiêu, gặp khó khăn trong việc sử dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài chính...; thiếu cơ chế để kêu gọi đầu tư, góp vốn, liên doanh, liên kết.
Tăng học phí nhưng không làm giảm cơ hội học tập
- Như ông vừa trao đổi, khi tự chủ tài chính, kinh phí sẽ đến từ nhiều nguồn và học phí chỉ là một nguồn. Tuy nhiên với người học, đây là vấn đề được quan tâm. Học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà trình độ ĐH chính quy cho năm học 2016-2017 là 14 triệu đồng/sinh viên/năm, trong khi học phí hiện hành xấp xỉ 8 triệu đồng. Đây là một trong những yếu tố để người học cân nhắc có lựa chọn vào trường trong những năm tới hay không? Ông có lo ngại mức học phí này sẽ ảnh hưởng tới quy mô tuyển sinh của trường?
- Tự chủ tài chính không phải là để tăng học phí, nhưng việc tăng học phí bắt buộc phải thực hiện. Mức học phí đang áp dụng vừa thấp, vừa cào bằng. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới thì trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, mức chi bình quân phù hợp cho một sinh viên đại học/năm phải bằng 1,5 lần thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm, trong khi suất đầu tư này là gần 14 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 45 triệu đồng, nghĩa là mới chỉ đạt 0,33. Khi ngân sách nhà nước không chi thường xuyên nữa thì để tăng suất đầu tư phải tăng các nguồn thu trong đó có học phí.
Điều quan trọng khi nói đến học phí là người học cần phải làm phép so sánh giữa học phí bỏ ra và thu nhập sau khi tốt nghiệp. Tôi tính đơn giản thế này: Một sinh viên ĐH Bách khoa sau khi tốt nghiệp có thu nhập trung bình 8 triệu đồng/tháng, tức là 96 triệu đồng/năm, trong khi học phí 1 năm học cũng chỉ xấp xỉ 8 triệu. Nếu tăng lên 14 triệu đồng/năm thì cũng chỉ nhiều nhất là 1 năm sau đã "hoàn vốn". Trong khi đó, ở Mỹ con số này phải từ 5 đến 10 năm. Thêm nữa, tỷ lệ sinh viên ĐH Bách khoa có việc làm sau khi ra trường rất cao. Tuy chưa thống kê một cách đầy đủ nhưng 2 tháng sau khi tốt nghiệp có khoảng 63% sinh viên có việc làm, sau 6 tháng thì hầu hết sinh viên có việc làm hoặc học tiếp lên bậc học cao hơn. Vì thế, dù học phí có tăng tôi tin người học sẽ có sự lựa chọn đầu tư đúng đắn và quy mô tuyển sinh của trường sẽ giữ vững và phát triển.
- Dù thấy "đắt xắt ra miếng" thì người học cũng phải cân nhắc nếu hoàn cảnh gia đình không cho phép?
- Trước tiên, tôi xin khẳng định, mức học phí của trường không đắt và nó đã được quy định rõ ràng theo từng năm. Với sinh viên đang theo học ở trường, mức học phí sẽ được điều chỉnh theo lộ trình và không vượt quá 20% mức học phí của trường công lập chưa tự chủ tài chính, đồng thời mỗi năm không vượt quá 30% năm trước. Thứ hai, khác với nhiều cơ sở đào tạo khác, khi người học bỏ ra khoản đóng góp cao hơn họ đã được hưởng ngay các điều kiện bảo đảm chất lượng tương xứng do nhà trường đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm qua. Thêm nữa, nhà trường cũng cam kết chất lượng thông qua các điều kiện bảo đảm chất lượng; triển khai nhiều giải pháp để tự chịu trách nhiệm như kiểm định chất lượng theo chuẩn của Pháp, kiểm định chương trình theo chuẩn của Hiệp hội Các trường ĐH Đông Nam Á (AUN); minh bạch các khoản thu, chi; kiện toàn Hội đồng trường thành cấp có thực quyền trong hoạt động quản trị của nhà trường để quyết định về chiến lược, phương hướng hoạt động của trường, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường cũng như việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động.
Và quan trọng, bao trùm hơn cả là ĐH Bách khoa Hà Nội không coi sinh viên là đối tượng phục vụ mà là một chủ thể, một thành viên của trường để cùng thực hiện các mục tiêu đề ra. Sinh viên đóng học phí là đóng cho mình, để phục vụ cho việc học tập của mình. Vì thế, nguồn thu từ việc tăng học phí được cam kết dành để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, xây dựng môi trường học tập ngày càng tốt hơn cho sinh viên. Nhà trường cũng có trách nhiệm bảo đảm không làm giảm cơ hội học tập của sinh viên bằng cơ chế, chính sách.
- Đó là chính sách học bổng và miễn giảm học phí phải không thưa ông?
- Đúng thế, nhưng với quan niệm học bổng phải cấp cho người có khả năng học và cần học bổng. Hiện nay chính sách về học bổng khuyến khích học tập chỉ căn cứ trên kết quả học tập nên trong nhiều trường hợp sinh viên đạt kết quả học tập giỏi là con gia đình khá giả, các em không cần học bổng để theo đuổi việc học. Trong khi đó, nhiều em có thể kết quả học tập kém hơn nhưng nếu không được hỗ trợ sẽ mất cơ hội học tập. Từ nguồn đóng góp của cựu sinh viên, doanh nghiệp và tiền lãi ngân hàng có từ khoản tiền gửi học phí của sinh viên, chúng tôi sẽ chia ra nhiều mức học bổng để làm sao càng nhiều sinh viên có khả năng học và cần học bổng được hỗ trợ.
- Xin cảm ơn ông!