Chuyển hóa nhận thức thành ứng xử cụ thể

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:20, 13/11/2016

(HNM) - Hoàn toàn dễ hiểu khi xã hội ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với các hành vi lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa, nhất là của cán bộ, công chức. Việc các ngành chức năng thành phố đang triển khai xây dựng Bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức; Quy tắc ứng xử tại một số địa điểm công cộng cũng không nằm ngoài nỗi băn khoăn chung này. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao văn hóa ứng xử trở thành nhận thức sâu sắc dù là trong mỗi cán bộ, công chức hay người dân để từ đó chuyển hóa thành những hành động thật cụ thể, tạo ra các giá trị sống tốt đẹp cho xã hội?


Thực tế, văn hóa ứng xử không còn là phạm trù đơn thuần của văn hóa mà đã trở thành yếu tố có mặt trong tất cả các lĩnh vực, liên quan chặt chẽ đến mục tiêu xây dựng con người, phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức có ý nghĩa quyết định đối với những chương trình, mục tiêu lớn của Chính phủ và TP Hà Nội về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước… Văn hóa ứng xử nơi công cộng cũng vậy, không xa rời việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; Năm trật tự và văn minh đô thị…

Phải thừa nhận, dù đã có nhiều chuyển biến trong văn hóa ứng xử nói chung, nhưng xã hội vẫn còn bức xúc với không ít hành vi thiếu tôn trọng người dân, thiếu tôn trọng cộng đồng vẫn đang diễn ra hằng ngày ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội. Ngoài yếu tố khách quan tác động, còn bởi chưa có sự chủ động, cụ thể hóa trong việc đặt ra những chỉ giới cho hành vi ứng xử đối với từng môi trường, lĩnh vực, đối tượng. Để từ đây vừa giáo dục, hình thành nhận thức sâu sắc vừa tạo căn cứ để nhắc nhở, xử phạt.

Văn hóa ứng xử cho dù của công chức, viên chức hay trong cộng đồng đều là thứ phải vun đắp, hình thành trong một thời gian nhất định và phải bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn. Giải pháp đối với vấn đề này, do đó cần đến sự kết hợp nhiều nội dung giáo dục hành vi, ý thức phù hợp với từng lĩnh vực nói riêng, xã hội nói chung, với tinh thần bền bỉ. Trong đó, cụ thể hóa thành các tiêu chí, tạo đặc trưng riêng gắn liền với nhiệm vụ cơ quan, đơn vị, đối tượng; theo đặc thù từng môi trường công cộng là hết sức quan trọng.

Ví như với cán bộ, công chức Hà Nội, văn hóa ứng xử phải gắn liền với việc thực hiện Chương trình 08 của Thành ủy khóa XVI về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân”. Không phải vô cớ mà Đề án hướng dẫn các đơn vị khảo sát đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính của TP Hà Nội đang xây dựng cũng được thực hiện trên tinh thần giao quyền chủ động triển khai cho các cơ quan, đơn vị, từ bộ công cụ chung. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dân bày tỏ sự hài lòng khi Bệnh viện Mắt Hà Nội cụ thể hóa văn hóa ứng xử của cán bộ, y bác, sĩ thành những nội dung thiết thực như “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở/Bệnh nhân ở chăm sóc tận tình/Bệnh nhân về dặn dò chu đáo”.

Tương tự vậy, đối với khu vực công cộng, văn hóa ứng xử cũng phải chi tiết theo từng nhóm lĩnh vực, như công viên, vườn hoa, lễ hội, nơi thờ tự… để vừa là hướng dẫn người dân vừa là tạo căn cứ điều chỉnh hành vi. Với tinh thần này, mỗi nhà trường, khu dân cư, tổ dân phố cũng nên lựa chọn những vấn đề nổi cộm trong văn hóa ứng xử tại địa phương, đơn vị nhằm tập trung tuyên truyền, giáo dục, khắc phục…

Chỉ khi nào văn hóa ứng xử từ nhận thức được chuyển hóa thành hành vi ứng xử cụ thể thì xã hội mới tiếp nhận được nguồn năng lượng tích cực để thay đổi, đi lên.

Hà An