Một nửa số người mắc đái tháo đường không được chẩn đoán
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:08, 13/11/2016
Lễ mít tinh tại vườn hoa Lý Thái Tổ và Hồ Hoàn Kiếm hưởng ứng Ngày Đái Tháo đường thế giới năm 2016 |
Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, ĐTĐ là mối đe doạ sức khoẻ công cộng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Nguyên nhân gây ra ĐTĐ rất phức tạp nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực.
Toàn thế giới có 415 triệu người lớn (từ 20-79 tuổi) đang sống với bệnh ĐTĐ trong năm 2015. Dự đoán con số này sẽ gia tăng lên khoảng 642 triệu người, đồng nghĩa với việc cứ 10 người thì có 1 người bị bệnh ĐTĐ vào năm 2040. Đáng báo động, một nửa số người đái tháo đường không được chẩn đoán. Nhiều người đang sống với bệnh ĐTĐ típ 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của mình, đến khi được chẩn đoán, thường đã xuất hiện các biến chứng của bệnh.
Tại Việt Nam, vào năm 2015, có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% số người tăng đường huyết chưa được phát hiện, chỉ có 28,9% người bệnh ĐTĐ được quản lý tại cơ sở y tế. ĐTĐ trở thành một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia, chủ yếu thông qua làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Ở nhiều quốc gia, ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và cắt cụt chi.
Tuy nhiên, theo ông Lương Ngọc Khuê, 70% trường hợp ĐTĐ típ 2 có thể được phòng ngừa hoặc trì hoãn nếu thực hiện lối sống khoẻ mạnh. Vì vậy, toàn thể mọi người dân hãy có trách nhiệm với sức khoẻ của mình, thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh ĐTĐ và các bệnh tật khác. Mặt khác, hãy sàng lọc để được chẩn đoán sớm bệnh ĐTĐ.
Ông Lương Ngọc Khuê cũng cho rằng, các nhân viên y tế hãy nâng cao nhận thức và kiến thức về ĐTĐ cho mọi người và tăng cường trình độ chuyên môn để tư vấn, điều trị, quản lý bệnh ĐTĐ hiệu quả. Các nhà hoạch định chính sách cần xác định phòng, kiểm soát ĐTĐ là một nhiệm vụ ưu tiên; thực hiện các chiến lược và chính sách hiệu quả để phòng ngừa và quản lý bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.