Cơ hội “vàng” để mở rộng lưới an sinh

Đời sống - Ngày đăng : 14:55, 31/01/2023

(HNMO) - Hơn 99% doanh nghiệp mở cửa hoạt động và và 97,8% công nhân, lao động trở lại làm việc ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão cho thấy rõ hơn sự ổn định của thị trường lao động, việc làm ở Thủ đô. Cùng với đó, số doanh nghiệp mới thành lập và nhu cầu tuyển dụng lao động tăng, tạo cơ hội “vàng” cho ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) phát triển theo hướng bền vững, đồng thời mở rộng lưới an sinh xã hội trên địa bàn Hà Nội.

Nền tảng vững chắc

Cách tốt nhất để người lao động tham gia BHXH lâu dài là giúp họ yên tâm gắn bó với công việc.

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, năm vừa qua, toàn thành phố chỉ có 31 doanh nghiệp phải giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động của hơn 13.000 lao động, bằng một phần nhỏ so với các thị trường lao động trọng điểm khác. Trong khi đó, số lao động được giải quyết việc làm mới trong năm 2022 là 203.000 người, tăng 13% so với năm 2021. Tỷ lệ thuận với sự phát triển của thị trường lao động là số người tham gia BHXH gia tăng theo hướng bền vững.

“Chính sách BHXH có thêm 9.613 đơn vị, doanh nghiệp với gần 48.000 lao động tham gia, nâng tổng số đơn vị, doanh nghiệp ghi tên trên hệ thống an sinh là 104.236 đơn vị, doanh nghiệp với gần 1,983 triệu người lao động vào thời điểm cuối năm 2022. Còn chính sách BHXH tự nguyện đến với hơn 75.000 người lao động tự do, giúp người dân có cơ hội hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, tăng cao so với năm trước đó”, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho hay.

Đáng chú ý, sau Tết Nguyên đán hằng năm thường là thời điểm thị trường lao động có sự biến động do một số người lao động chuyển đổi công việc hoặc về quê nghỉ Tết, sau đó không trở lại Hà Nội làm việc. Năm Quý Mão 2023, ngay từ những ngày đầu xuân, gần 98% số người lao động trở lại làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp, đồng nghĩa họ tiếp tục có tên trên hệ thống BHXH và được bảo vệ bởi lưới an sinh. Càng vui hơn khi nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết Nguyên đán Quý Mão trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng.

Dự kiến trong năm nay, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tạo việc làm mới cho ít nhất 162.000 lao động. Đây là nhóm đối tượng tiềm năng để ngành BHXH thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng khai thác, phát triển trong năm 2023.

Nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội có xu hướng tăng ngay từ những ngày đầu năm tạo đà cho ngành BHXH bứt phá.

Với BHXH tự nguyện, đời sống, thu nhập của người dân dần ổn định sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên nhiều người xây dựng kế hoạch chủ động trang bị lưới an sinh cho bản thân bằng cách tham gia chính sách này.

“Trải qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, tôi thấm thía việc cần thiết phải có điểm tựa an sinh. Vì thế, từ năm 2023 này, tôi cố gắng dành khoản tiền vài trăm nghìn đồng mỗi tháng để tham gia BHXH tự nguyện”, chị Nguyễn Thị Trang, thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên) chia sẻ.

Tận dụng cơ hội “vàng”

Tận dụng cơ hội “vàng” để phát triển, BHXH thành phố Hà Nội đặt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH đến ít nhất 43% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó, nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện đạt tối thiểu 2% lực lượng lao động trong độ tuổi vào cuối năm 2023.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu, BHXH thành phố Hà Nội vừa phát động phong trào thi đua năm 2023, yêu cầu mỗi bộ phận, đơn vị, phòng, ban chức năng và cơ quan BHXH các quận, huyện, thị xã cùng lực lượng cán bộ, nhân viên toàn ngành lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả công việc. Ngoài ra, BHXH thành phố Hà Nội chú trọng mở rộng loại hình, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu.

Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội phát động phong trào thi đua nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển số người tham gia BHXH năm 2023.

Cố gắng để mọi lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc không bị “lọt lưới” an sinh, các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các đơn vị, doanh nghiệp chưa tham gia hoặc đã tham gia BHXH nhưng chưa tham gia đầy đủ cho người lao động, xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi vi phạm.

Đặc biệt, Cục Thuế thành phố Hà Nội tiếp tục chia sẻ dữ liệu về thuế của người lao động và doanh nghiệp theo quy định (thông tin được bảo mật), làm căn cứ để các bên đối chiếu, so sánh, qua đó kịp thời phát hiện những đơn vị, doanh nghiệp đã hoạt động nhưng không tham gia BHXH. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức đối thoại với người lao động để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giúp người lao động yên tâm là việc, tham gia BHXH lâu dài.

Ngoài ra, các cấp công đoàn triển khai chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT ngày 16-1-2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bảo đảm đúng người, đối tượng. Điều này giúp người lao động có thêm khoản tiền để chi tiêu lúc khó khăn, hạn chế tình trạng người lao động rời khỏi hệ thống BHXH.

Ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền các địa phương đưa nội dung phát triển bền vững số người tham gia BHXH vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho biết, thực hiện tốt chính sách BHXH là một trong những tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm 2023 của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quận. Các cơ quan chức năng quận Hà Đông không xem xét tham gia đấu thầu dự án đối với đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng, không tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động. Ngược lại, những đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách, các phường tăng nhanh số người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được biểu dương, khen thưởng.

Còn tại huyện Đan Phượng, UBND huyện có kế hoạch tổ chức hội nghị đối thoại với người dân, tổ chức, doanh nghiệp về nhiều nội dung trong năm 2023, qua đó kịp thời có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, để doanh nghiệp hoạt động ổn định, tạo thêm nhiều việc làm, cơ hội tham gia BHXH cho người lao động.

Hà Hiền