Nhiệm vụ lâu dài, cách làm bền bỉ
Xã hội - Ngày đăng : 07:16, 14/11/2016
Hậu quả từ tâm lý "trọng nam, khinh nữ"
Chỉ số giới tính khi sinh được tính bằng số trẻ em sinh là trai/100 bé gái. Chỉ số này được coi là bình thường trong khoảng 103 đến 107 bé trai/100 bé gái. Duy trì tỷ số này trong giới hạn nói trên sẽ giúp bảo đảm sự cân bằng trong phát triển tự nhiên và xã hội của một quốc gia, địa phương.
Tư vấn về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội. |
Tuy nhiên, theo Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, trong 9 tháng năm 2016, trên địa bàn thành phố, tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, cứ 113,6 bé trai thì có 100 bé gái. Mặt khác, tỷ lệ sinh con thứ 3 có giảm nhưng chưa bền vững. Tâm lý muốn sinh con trai đã khiến cho nỗ lực khống chế tỷ lệ MCBGTKS và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 gặp khó khăn. Các phòng khám siêu âm mọc lên ngày càng nhiều, kiếm lợi nhờ tâm lý muốn biết giới tính sớm của con ở sản phụ, tạo cơ sở cho việc nạo phá thai để lựa chọn giới tính của trẻ.
Bác sĩ Chu Hoàng Giang, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, hiện nay, việc chẩn đoán giới tính thai nhi có thể đúng đến 70% ở tuần thứ 12 và chính xác ở tuần thứ 14-16 với những bác sĩ giỏi. Mặc dù có quy định cấm siêu âm xác định giới tính thai nhi nhưng số người biết trước giới tính con mình trước khi sinh hiện lên đến khoảng 90%.
Đáng bàn hơn, nhiều phòng khám đông y cũng đua nhau cung cấp dịch vụ nhận biết giới tính thai nhi sớm. Chị Nguyễn Hải Yến (phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Khi thai nhi được 9 tuần tuổi, tôi được bạn bè giới thiệu một thầy lang nổi tiếng về chẩn đoán giới tính thai nhi. Khi bắt mạch, thầy lang này phán thai nhi là con gái. Thế nhưng, tại phòng khám đông y khác, thầy lang người Trung Quốc lại cho kết quả là con trai. Trên thực tế, tôi đã sinh một bé gái".
Theo dự báo của Tổng cục DS-KHHGĐ, đến năm 2050, Việt Nam sẽ thừa 2,3-4,3 triệu nam giới. Điều này đồng nghĩa với số nam giới tương ứng sẽ đối mặt với nguy cơ không tìm được vợ. Nếu như tại nước ta, MCBGTKS xảy ra ngay từ lần sinh đầu tiên thì với các nước trong khu vực Châu Á như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, MCBGTKS xảy ra ở lần sinh thứ hai, thứ ba. Mặt khác, ở nhiều nước, MCBGTKS chỉ xảy ra ở nhóm phụ nữ có trình độ thấp, kinh tế khó khăn, vùng nông thôn. Còn ở Việt Nam, tình trạng này xảy ra ở khắp các vùng miền, từ thành thị đến nông thôn, cả với người giàu và người nghèo, người có học vấn cao hoặc thấp. Điều này cho thấy tâm lý “trọng nam, khinh nữ” đã đang tiếp tục để lại hậu quả xấu.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, trong 9 tháng năm 2016, địa phương có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất là Sơn Tây (131,9 trẻ trai/100 trẻ gái), tiếp đó là Ứng Hòa (130,1 trẻ trai/100 trẻ gái), Mê Linh (123,6 trẻ trai/100 trẻ gái), Ba Vì (121,9 trẻ trai/100 trẻ gái), Phú Xuyên (121,3 trẻ trai/100 trẻ gái), Thạch Thất (120,9 trẻ trai/100 trẻ gái), Sóc Sơn (120,3 trẻ trai/100 trẻ gái). |
Thay đổi nhận thức
Tình trạng mất cân bằng giới tác động lớn đến cơ cấu, chất lượng dân số nước ta, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của quốc gia. MCBGTKS dẫn đến thiếu hụt phụ nữ và “dư thừa” đàn ông, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng kết hôn sớm, ly hôn, độc thân, bạo hành, bất bình đẳng giới, làm gia tăng tệ nạn xã hội, thiếu lao động phù hợp cho những ngành nghề thích hợp với phụ nữ như giáo viên mầm non, tiểu học, y tế, may mặc…
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh, tình trạng MCBGTKS chủ yếu do việc lựa chọn giới tính thai nhi, định kiến giới ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người. Hạn chế tình trạng này là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi cách làm bền bỉ. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ngoài các giải pháp của ngành, cần đưa nội dung KHHGĐ vào hương ước, tiêu chí xây dựng làng văn hóa.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư nguồn lực cho hệ thống dân số địa phương cũng như kinh phí duy trì hoạt động DS-KHHGĐ, bảo đảm nguồn nhân lực và chế độ chính sách dành cho tuyên truyền viên dân số. Mặt khác, cần nâng cao trách nhiệm của các bác sĩ sản khoa, tăng cường quản lý các phòng khám tư, yêu cầu tuyệt đối không tiết lộ giới tính thai nhi
khi tuổi thai thấp.
Còn theo ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, bên cạnh việc tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề bình đẳng giới, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo công tác dân số cấp quận, huyện, thị xã tại địa bàn. Đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn trong việc thực hiện quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
Rõ ràng, giải pháp cốt lõi là làm thay đổi nhận thức để không chỉ khắc phục tình trạng MCBGTKS mà còn là để tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền lợi như nam giới.