Con đường trắc trở của TPP

Thế giới - Ngày đăng : 06:52, 14/11/2016

(HNM) - Đúng như dự đoán, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không thể có kết quả như mong đợi trước khi Tổng thống Barack Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1-2017.


Theo thông báo mới nhất từ Quốc hội nước này, chính quyền Mỹ tạm ngừng nỗ lực xúc tiến Quốc hội thông qua Hiệp định, đồng thời tuyên bố số phận của TPP sẽ do Tổng thống đắc cử Donald Trump định đoạt. Tổng thống B.Obama sẽ giải thích với lãnh đạo 11 quốc gia thành viên TPP tại cuộc họp Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Peru vào tuần tới.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có 11 quốc gia thành viên.


Các quan chức nội các của Tổng thống B.Obama và Phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã nỗ lực nhiều tháng qua nhằm vận động hành lang đối với các thượng nghị sĩ, để Quốc hội thông qua TPP trước khi ông chủ Nhà Trắng mãn nhiệm. Tuy nhiên, sự kiện ông D.Trump đắc cử hôm 8-11, đảng Cộng hòa tiếp tục giành thế đa số trong Quốc hội đã khiến nỗ lực trên đi đến hồi kết.

Trước đó, nhiều nhà lập pháp đã cho rằng, việc bỏ phiếu về TPP khó có thể diễn ra tại Quốc hội trong giai đoạn chuyển giao quyền lực. Phe Cộng hòa cuối tháng trước đã công bố cương lĩnh hoạt động trong 4 năm tới, nhấn mạnh: “Quốc hội không nên vội vã hoặc liều lĩnh xem xét các thỏa thuận thương mại quan trọng trong quá trình chuyển giao quyền lực”.

Quan trọng hơn, Tổng thống đắc cử D.Trump ngay từ đầu chiến dịch tranh cử đã thể hiện rõ sự phản đối với TPP. Trong quá trình chạy đua vào Nhà Trắng, ông D.Trump luôn phản đối các hiệp định thương mại tự do, trong đó có TPP, cho rằng những thỏa thuận này sẽ khiến nhiều việc làm của Mỹ bị chuyển ra nước ngoài. Chủ nhân tương lai của Nhà Trắng tuyên bố sẽ đàm phán lại các thỏa thuận thương mại của Mỹ, bao gồm cả TPP nhằm mang lại những điều khoản có lợi hơn cho xứ Cờ hoa. Chính sách này dường như rất được lòng cử tri và được xem là một trong những yếu tố then chốt đưa ông D.Trump trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Trong khi đó, một số nghiên cứu của Chính phủ Mỹ có vẻ như ủng hộ quan điểm “tẩy chay” các hiệp định thương mại của người dân. Một nghiên cứu độc lập về lợi ích của TPP cho thấy dự kiến, đến năm 2025, TPP sẽ chỉ làm gia tăng tốc độ tăng trưởng GDP của các nước thành viên nhiều nhất là 0,1% - một con số rất thấp. Một nghiên cứu khác của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) cho rằng, đến năm 2032, TPP sẽ chỉ giúp gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ khoảng 0,15% và tăng thêm thu nhập 0,23% - những con số quá khiêm tốn.

Tuy nhiên, tổng số việc làm bị mất trong khu vực các nước thành viên TPP nếu Hiệp định này có hiệu lực sẽ là khoảng 711.000 việc làm, trong đó riêng Mỹ là 448.000. Đặc biệt, Mỹ sẽ là nước bị mất nhiều việc làm nhất nếu TPP có hiệu lực và Hiệp định có thể sẽ làm gia tăng mức thâm hụt thương mại của Mỹ hằng năm. Thế nên, với cam kết đưa việc làm trở về nước, ông D.Trump đã đánh trúng vào tâm lý của người dân, đặc biệt là những người mất việc làm do suy thoái kinh tế và đổ lỗi do các hiệp định thương mại.

Việc không thể thông qua TPP - hiệp định thương mại tự do lớn nhất trong hơn 1 thập kỷ trở lại đây - trước khi rời nhiệm sở là điều đáng tiếc của Tổng thống B.Obama. Trên bình diện quốc tế, TPP không thể thông qua trong nhiệm kỳ của ông B.Obama cũng đồng nghĩa với việc uy tín của nước Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Thậm chí có ý kiến cho rằng, nếu hiệp định này đổ vỡ, đây có thể sẽ là một thảm họa lớn đối với quan hệ với nhiều đồng minh của Washington ở Châu Á, nhất là khi Hạ viện Nhật Bản vừa bấm nút thông qua TPP.

Trong cuộc khảo sát mới đây, Hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng ước tính nếu TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua, nền kinh tế số 1 thế giới có thể thiệt hại 5,3 tỷ USD chỉ riêng tại thị trường Nhật Bản. Các công ty Mỹ sẽ bị Nhật Bản áp mức thuế trung bình cao gấp đôi so với các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, 35 lĩnh vực công nghiệp của Mỹ sẽ mất “sân chơi” về tay các đối thủ Trung Quốc và nhiều nước khác.

Dù gặp rất nhiều trắc trở nhưng TPP là một sáng kiến hứa hẹn tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Do đó, các nhà phân tích nhận định, một con đường được 800 triệu người chấp nhận như TPP vì những lợi ích nó mang lại thì chắc chắn không dễ bị bác bỏ. Có chăng, thời gian thông qua TPP sẽ bị lùi lại hoặc thay đổi một số điều khoản, đổi sang một hình thức khác… theo hướng phù hợp với lập trường của chính phủ mới ở Washington.

Thùy Dương