Công khai, giám sát chặt tài sản nhà nước

Kinh tế - Ngày đăng : 06:35, 14/11/2016

(HNM) - Tài sản nhà nước có phạm vi rất rộng, trong khi công tác quản lý, sử dụng chưa theo kịp yêu cầu, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí. Vì vậy, công khai, giám sát chặt chẽ tài sản của Nhà nước là vấn đề cấp thiết.

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị nên bổ sung kho biển số ô tô, xe máy và kho số điện thoại vào danh mục tài sản công để quản lý, khai thác. Ảnh: Nguyễn Khánh


Nhận diện đầy đủ tài sản nhà nước

Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước - QLSDTSNN (sửa đổi) gồm 10 chương, 137 điều được Ban soạn thảo xác định là luật chung điều chỉnh chế độ quản lý, sử dụng đối với tất cả các loại tài sản công theo quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013. Đánh giá cao Tờ trình của Chính phủ, ĐB Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng, dự án luật đã thể hiện một nhận thức mới xác lập nhận diện về tài sản trong điều kiện hiện nay, khi đạo luật cũ chủ yếu quản lý vật tư nhà nước.

ĐB Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) nhận định, việc đưa ra nguyên tắc bao trùm trong luật; những chi tiết cụ thể có thể quy định ở các luật chuyên ngành là hợp lý. Vì hơn bao giờ hết cần có luật bao trùm để quản lý tài sản công một cách hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí, nhất là đất đai, tài nguyên khoáng sản…

Tuy nhiên, một số ĐB đề nghị cần rà soát thêm để hoàn thiện khái niệm về tài sản công, bảo đảm tính bao trùm của luật. Đáng chú ý, có ý kiến đề nghị nên bổ sung kho biển số ô tô, xe máy và kho số điện thoại vào danh mục tài sản công để quản lý, đấu giá khai thác tăng thêm ngân sách.

Các ĐB cũng đề nghị phải làm rõ các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công. ĐB Hoàng Quang Hàm cho rằng, ngoài những nguyên tắc chung như tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, những tài sản nhà nước phục vụ cho hoạt động quản lý phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn định mức, tài sản nhà nước phục vụ kinh doanh phải tuân theo cơ chế thị trường.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) đề nghị xem lại Khoản 4, Điều 6 để quy định việc sử dụng, khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh phải bảo đảm có lãi chứ không chỉ như quy định đủ bù đắp chi phí. Còn ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho rằng, tài sản nhà nước được giao cho các cơ quan nhà nước và để xây dựng trụ sở làm việc, là phương tiện để phục vụ công việc. Nếu không sử dụng hết công suất có thể điều chuyển cho các cơ quan khác chứ không nên sử dụng tài sản công để kinh doanh thu lợi nhuận.

Quy định rõ việc công khai minh bạch

Việc công khai tài sản công quy định tại Điều 8 được nhiều ĐB quan tâm, đề xuất phải bổ sung, hoàn thiện. ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, quy định tại Khoản 2 về “Việc công khai tài sản công phải được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác thông qua các hình thức: Đăng tải trên cổng thông tin điện tử; Niêm yết công khai; Công bố tại các kỳ họp; Các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật” chưa thực sự bảo đảm việc giám sát thường xuyên của người dân.

ĐB đề nghị bổ sung một hình thức công khai nữa là công khai trên chính tài sản công đó. “Đối với đất đai, trụ sở có thể đặt biển gắn thông tin về cơ quan quản lý, đối tượng, mục đích sử dụng, tọa độ, diện tích sử dụng đất và thời gian giao đất. Đối với phương tiện như xe công thì gắn nhãn có thông tin về cơ quan quản lý xe, đối tượng sử dụng xe, xe được dùng chung hay dùng riêng...” - ĐB nói.

Công khai minh bạch phải gắn với trao quyền giám sát cho người dân là vấn đề được các ĐB đề cập. ĐB Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) đề nghị bổ sung trong dự thảo luật quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với tài sản công. Các tổ chức này sẽ có quyền yêu cầu các đơn vị được giám sát cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến việc giám sát, đồng thời được tham gia phản biện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công.

“Điều này phù hợp với quy định tại Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội” - ĐB Phan Thái Bình khẳng định.

Theo kế hoạch, dự án Luật QLSDTSNN (sửa đổi) sẽ được hoàn chỉnh để tiếp tục trình tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV.

Tổng giá trị tài sản nhà nước là trên 1 triệu tỷ đồng

Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, từ ngày 1-1-2009 đến ngày 31-7-2016, tài sản nhà nước gồm: Đất, nhà, xe ô tô, các tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên trong khu vực hành chính sự nghiệp được đầu tư tăng thêm 94.285 tài sản với tổng giá trị là 220.774,71 tỷ đồng.

Tổng giá trị tài sản nhà nước đến ngày 31-7-2016 là 1.040.451,98 tỷ đồng. Trong đó, tài sản nhà nước tại các cơ quan nhà nước là 281.086,12 tỷ đồng, tại các đơn vị sự nghiệp là 718.562,12 tỷ đồng, tại các tổ chức là 37.609,26 tỷ đồng, tại các ban quản lý dự án là 3.194,48 tỷ đồng.

Quốc Bình