Cần sự vào cuộc đồng bộ

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:15, 15/11/2016

(HNM) - Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho người dân luôn được các cấp chính quyền TP Hà Nội đặt làm trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Đích thân Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung giữ trọng trách là Trưởng ban Chỉ đạo công tác ATTP. Hà Nội cũng là thành phố đi đầu trong việc quản lý ATTP theo chuỗi và vùng địa lý nhằm quản lý chất lượng thực phẩm từ nơi sản xuất đến bàn ăn, hạn chế nảy sinh chuyện “quyền anh, quyền tôi” hay tình trạng “ngăn sông cách trở”.


Thế nhưng nếu đặt câu hỏi: Liệu người dân Hà Nội đã thực sự yên tâm với chất lượng thực phẩm hiện nay? Câu trả lời chắc chắn là chưa!

Hà Nội hiện có gần 60 nghìn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Theo Báo cáo kết quả công tác kiểm tra ATTP của Ngành Y tế Hà Nội vừa công bố cho thấy, trong 9 tháng qua, 1.421 đoàn thanh tra đã phát hiện 8.761 cơ sở vi phạm ATTP với tổng số tiền phạt hơn 4 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm ATTP.

Một vài số liệu trên chưa thể phản ánh hết mức độ, diễn biến phức tạp của vấn nạn thực phẩm “bẩn” trên địa bàn thành phố hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng nói là tình trạng lúng túng trong quản lý, chậm và chưa kịp thời trong phát hiện và xử lý các vụ vi phạm ATTP của chính quyền và ngành chức năng ở một số địa phương là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này. Cùng với đó, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành còn thấp; công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, chưa có thông tin đầy đủ về cách nhận biết, tác hại và phương pháp bảo đảm ATTP dẫn đến tâm lý lo lắng, hoang mang trong nhân dân.

Trước thực trạng trên, ngày 28-10-2016, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội, với 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện cả trước mắt cũng như lâu dài. Trong đó, mục tiêu quan trọng là khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của công tác ATTP; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp đối với công tác này để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả trước mắt và lâu dài.

Tình trạng thực phẩm mất an toàn vệ sinh không phải là vấn đề mới, nhưng với Chỉ thị này, Thành ủy Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội của thành phố trong thực hiện bảo đảm ATTP trong tình hình mới hiện nay. Trong đó đặc biệt là vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP của chính quyền các cấp. Cụ thể, Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm toàn diện về ATTP trên địa bàn, đồng thời xác định việc bảo đảm ATTP là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tổ dân phố văn hóa, làng văn hóa. Chỉ thị mới cũng nhấn mạnh đến vai trò của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm ATTP.

TP Hà Nội đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản, việc kiểm soát ATTP trên địa bàn sẽ được thực hiện đồng bộ có hiệu quả; phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nắm được quy trình, điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Để đạt được mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Chỉ thị số 10-CT/TU của Thành ủy không chỉ một lần nữa cho thấy quyết tâm cao độ của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong việc đẩy lùi vấn nạn thực phẩm “bẩn” mà còn nhờ có Chỉ thị này, việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sẽ tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả các giải pháp đã đề ra nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng thực phẩm mất an toàn vệ sinh trên địa bàn Thủ đô. 

Đình Hiệp