Bảo hiểm xã hội bắt buộc với người lao động làm việc ở nước ngoài: Khó thực hiện
Xã hội - Ngày đăng : 06:57, 15/11/2016
Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động làm việc ở nước ngoài là rất cần thiết. Ảnh: Hoàng Mạnh |
Doanh nghiệp kêu khó, người lao động kêu khổ
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, quy định về BHXH bắt buộc đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài khá cụ thể. NLĐ tham gia BHXH bắt buộc ở 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Với NLĐ đã từng tham gia BHXH bắt buộc thì mức đóng hằng tháng bằng 22% tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Với người chưa tham gia BHXH bắt buộc thì mức đóng bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở tại Việt Nam. NLĐ có thể đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng/lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài. NLĐ đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú trước khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức phái cử. Các doanh nghiệp không phải hỗ trợ tiền đóng BHXH cho NLĐ mà chỉ thu hộ.
Tuy nhiên, đã xảy ra những bất cập trong quá trình thực hiện luật. Đa số NLĐ có tâm lý không muốn đóng tiền BHXH hoặc sợ phải đóng BHXH hai lần do các doanh nghiệp giữ tiền đặt cọc. Trong khi đó, các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc chịu trách nhiệm thu hộ thì lúng túng không biết phải thu BHXH bắt buộc của NLĐ theo hình thức nào, mức thu cụ thể bao nhiêu, trong trường hợp NLĐ cố tình không đóng thì giải quyết theo hướng nào?
Nhiều NLĐ cũng bày tỏ thắc mắc về mức thu cào bằng 22% trên mức lương cơ sở. Bởi NLĐ làm việc ở các thị trường có mức thu nhập thấp như các nước Trung Đông, Malaysia lại đóng BHXH như người lao động ở các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc... là chưa công bằng. Chị Nguyễn Thị Thoa, quê ở Thanh Hóa, đang là làm việc ở Nhật Bản cho biết, chi phí ban đầu đi XKLĐ đã tốn kém nay lại gánh thêm khoản BHXH cũng là gánh nặng.
Sau 3 năm hết hạn hợp đồng trở về nước, nếu công việc thuận lợi thì bỏ trên 20 triệu đồng để đóng BHXH cũng không đáng lo ngại. Nhưng nếu không suôn sẻ, chưa trả hết nợ vay ban đầu cho việc chi phí đi XKLĐ thì đóng BHXH lại là chuyện vô cùng khó khăn. Mỗi nước tiếp nhận lao động nước ngoài có những quy định về đóng chế độ bảo hiểm khác nhau nên NLĐ phải tuân thủ nguyên tắc. Chẳng hạn, lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia đều phải đóng các loại bảo hiểm, trừ vào lương hằng tháng.
Trong khi đó, nếu làm việc ở Hàn Quốc, NLĐ phải đặt cọc 450 USD để đóng bảo hiểm hồi hương, bảo hiểm rủi ro, thất nghiệp. NLĐ khi phải đóng thêm khoản BHXH bắt buộc này sẽ có suy nghĩ đóng hai lần bảo hiểm, tăng thêm gánh nặng và đó là lý do khiến họ "ngại" tham gia. Hoặc có NLĐ lại lo ngại việc đóng BHXH bắt buộc trong 3 năm đi XKLĐ, khi về nước sẽ gặp rắc rối về thủ tục làm sổ BHXH sau này.
Giữa chính sách với thực tiễn là... khoảng cách
Anh Đinh Văn Thịnh, quê ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, đi XKLĐ Hàn Quốc và là lao động phổ thông nên chưa bao giờ đóng BHXH. Chính vì vậy, anh Thịnh bày tỏ băn khoăn, nếu đóng BHXH rồi, khi về nước không tìm được việc làm mới, hoặc chỉ làm tự do thì sẽ được thanh toán thế nào hoặc liệu có còn khả năng tham gia theo hình thức BHXH tự nguyện hay không.
Theo thống kê của Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến hết tháng 9-2016, mới chỉ có 1.500/ 11.000 LĐ làm việc ở nước ngoài tham gia BHXH. Con số này phản ánh thực tế từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn khoảng cách khá lớn. Điều này cũng đúng với nhận định của ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước khi mà Luật BHXH và nghị định hướng dẫn chưa có quy định, ràng buộc trách nhiệm của NLĐ đi XKLĐ về việc tham gia BHXH. Cũng chưa có chế tài nào cưỡng chế những lao động không chấp hành quy định tham gia BHXH. Do đó, cũng là dễ hiểu khi chỉ có trên 10% NLĐ tham gia đóng BHXH theo quy định.
Thực tế, các doanh nghiệp cũng như cơ quan chức năng luôn đón nhận các quy định mới hướng đến an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, khi luật được thực thi thì lại vướng nhiều khó khăn khi NLĐ không muốn tham gia BHXH, doanh nghiệp ngại thu hộ. Đây là lý do khiến việc thực hiện BHXH bắt buộc đối với XKLĐ khó thực hiện và hiệu quả không như mong đợi.